ClockThứ Năm, 01/03/2012 13:16

Trải thảm đỏ cho những sản phẩm du lịch có tính thực tiễn

TTH - Trước tết Nhâm Thìn, việc nghệ nhân ẩm thực Hồ Thị Hoàng Anh mở phiên chợ Tết Gia Lạc của Huế tại T.P Hồ Chí Minh khiến nhiều người Huế không khỏi vui mừng. Mừng bởi một lẽ, đây là phiên chợ truyền thống cổ xưa có tuổi đời trên 200 năm của Huế, lần đầu tiên được phục dựng tại Việt Nam kể từ sau 1945. Trước đó, nghệ nhân Hoàng Anh cũng đã tái hiện phiên chợ Tết Gia Lạc tại Đức và Pháp (năm 2002).

Từng tham dự cả ba phiên chợ ấy, ngay cả GS Trần Văn Khê cũng không khỏi nhạc nhiên về sức thu hút cũng như ấn tượng quá lớn của nó đối với du khách. Với người dân Phương Tây, việc được nhìn thấy không gian văn hóa đặc trưng của người Việt, từ trướng liễn làng Chuồn, hoa giấy Thanh Tiên, những đôi guốc mộc, con tò he bằng đất nung hay những món ăn truyền thống như bánh bèo, bánh lọc, xôi đường… thực sự là một khám khá mới mẻ. Riêng lần tái hiện tại TP Hồ Chí Minh mới đây, phiên chợ tiếp tục đựơc đón nhận nồng nhiệt. Có những vị khách như Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đã dắt theo phu nhân và chờ hàng giờ trước khi phiên chợ khai mạc. Một sự cầu thị mà theo bà Hoàng Anh là khá hiếm hoi nếu không thực sự quan tâm.

Từ phiên chợ độc đáo này nhìn lại, Huế có nhiều giá trị văn hóa độc đáo mà nếu biết trân quí, đào sâu sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, có đẳng cấp, có thương hiệu. Nghệ nhân Hoàng Anh đã bỏ nhiều năm nghiên cứu sử liệu, gặp gỡ các bậc cao niên, về tận các làng quê, tìm kiếm, nâng niu từng con tu huýt của làng cổ Phước Tích, từng chiếc khuôn bánh bài cuối cùng ở Huế, về tận làng nghề để mang hàng ngàn ngàn bông hoa giấy Thanh Tiên của Huế sang Pháp, Đức.
 
Một điều nữa là chợ tết Gia Lạc “phát tích” từ Huế. Nghệ nhân Hoàng Anh cũng là người con ở Huế đi xa. Ba lần bà tái hiện chợ Gia Lạc đều từ đơn đặt hàng. Lần thứ nhất ở Đức là lời mời từ Trung tâm Giao lưu Đức – Á. Lần thứ hai ở Pháp là của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tại Nantes. Lần thứ ba tại T.P Hồ Chí Minh là từ lời mời của Công ty cổ phần bất động sản Bình Thiên An - Chủ đầu tư dự án đảo Kim Cương. Đến đây, một câu hỏi đặt ra. Là vì sao ở tận Pháp và Đức, người ta còn biết, “thỉnh” nghệ nhân Hoàng Anh sang tái hiện chợ Gia Lạc, còn Huế thì không?
 
Bằng tất cả tấm lòng với di sản cha ông để lại, nghệ nhân Hoàng Anh từng ra Huế phục dựng yến tiệc cung đình tại Festival Nghề truyền thống 2011. Cùng với vợ, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cũng đã nhiều lần cất công tổ chức không ít các cuộc triển lãm cổ vật và những buổi thuyết trình văn hóa tại Huế. Thiết nghĩ, với chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác văn hóa-du lịch mà tỉnh đang hướng đến nhằm huy động sức mạnh, trí tuệ từ các cá nhân và doanh nghiệp vào sự phát triển của tỉnh nhà, đã đến lúc, phải tính đến cơ chế “trải thảm đỏ” để mời gọi những cá nhân, những người như nghệ nhân Hoàng Anh, góp phần làm giàu, làm sang cho Huế bằng những sản phẩm văn hóa - du lịch có tính thực tiễn mà họ đã dày công chắt chiu, bảo tồn từ vốn tinh hoa văn hóa của dân tộc.
 
Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top