ClockThứ Năm, 30/08/2012 05:55

Thành tích và bệnh thành tích

TTH - Thành tích là một cụm từ vốn có nghĩa đẹp. Theo Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân, “thành” là làm nên, “tích” là công lao đạt được nhờ có sự cố gắng.

Thành tích là kết quả lao động sáng tạo, là thước đo đạo đức và tài năng của mỗi người, mỗi tập thể, mỗi địa phương. Phấn đấu lập nhiều thành tích cũng có nghĩa là phấn đấu làm ra nhiều của cải vật chất và văn hóa cho xã hội, cho đất nước và trên cơ sở đó, nâng cao đời sống của nhân dân. Bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào đều mong muốn vươn lên đạt được nhiều thành tích cao nhất, góp phần làm nên thành tích chung của cả nước nhằm hoàn thành nhiệm vụ của mỗi giai đoạn lịch sử. Đó là điều chính đáng không thể phủ nhận. Chính vì vậy mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất quý trọng thành tích và luôn luôn khuyến khích, động viên mọi cá nhân, tập thể, địa phương ra sức lập nhiều thành tích. Ai có thành tích thì được biểu dương, khen thưởng xứng đáng với công lao và càng phấn đấu cao hơn nữa để có thêm thành tích, đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc với động cơ hết sức vô tư, trong sáng.

Tuy nhiên, không ít người trong quá khứ đã có nhiều thành tích nay tỏ ra công thần, kể công với Đảng và Nhà nước, từ đó kèn cựa, so bì, đòi hỏi hưởng thụ, địa vị, nếu không được đáp ứng thì oán trách, thậm chí tỏ ra bất mãn…; một số khác thì tự mãn, say sưa với thành tích đã đạt được, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên hơn nữa và hệ quả có thể dẫn tới thoái bộ, lạc hậu…

Nhưng đáng chê trách hơn hết là có một số người do mang nặng chủ nghĩa cá nhân mà mắc bệnh thành tích với những toan tính xoay xở nhỏ nhen, nhằm vụ lợi cho cá nhân mình. Bệnh thành tích là hành vi tạo ra những thành tích không thật. Bệnh thành tích có khi là của cả một tập thể, có khi là của cá nhân người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, địa phương… với những động cơ khác nhau, đặc biệt là để cấp trên đánh giá cá nhân mình dẫn tới phong danh hiệu này nọ hoặc đề bạt cất nhắc lên một chức vụ cao hơn…

Những năm gần đây, bệnh thành tích diễn ra khá phổ biến ở nhiều người, nhiều ngành, nhiều địa phương… Ở mức độ nặng hơn, người mắc bệnh thành tích cố ngụy tạo ra thành tích, bằng cách báo cáo gian dối. Tại một số tỉnh, hầu hết các huyện, thị xã đều báo cáo GDP đạt từ 10 đến 15%, nhưng hội đồng nhân dân tỉnh ấy lại công bố GDP của cả tỉnh chỉ đạt một con số? Có doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất - kinh doanh hằng năm không đạt, nhưng đã báo cáo là tất cả các chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành vượt mức; sản phẩm dở dang được chuyển thành sản phẩm hoàn chỉnh; năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thấp, họ dựng lên năng suất và chất lượng cao, thậm chí rất cao. Trong xây dựng cơ bản, họ chạy theo “tiến độ”, bất chấp quy trình kỹ thuật, chất lượng công trình, giá thành sản phẩm. Nhiều ngân hàng thương mại, doanh nghiệp, tình hình tài chính thiếu lành mạnh, nợ xấu ở mức cao, nhưng con số báo cáo lại thấp xa so với thực tế… Trong thi đua, họ khai man thành tích để được khen thưởng danh hiệu này danh hiệu nọ…

Vì thành tích, họ làm dối, làm ẩu và sẵn sàng gây khó khăn cho người khác, kìm hãm không cho người khác có thành tích hơn mình. Họ rất thích được mọi người khen ngợi, đề cao và cũng rất sợ những ai phê bình, nêu những khuyết điểm, yếu kém của mình. Khi đơn vị, địa phương có thành tích thì họ cho rằng đó là công lao của mình; khi có khuyết điểm, sai lầm thì họ lại đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan.

Khi Trung ương yêu cầu các ngành, các địa phương rà soát, phát hiện ngành mình, địa phương mình có tham nhũng không, chẳng ai báo cáo là ngành mình, địa phương mình có. Nhưng khi bị báo chí và quần chúng phanh phui thì ngành đó, địa phương đó im lặng, hoặc tìm cách biện minh cho tiêu cực…

Những người nói dối vì bệnh thành tích cho đến nay vẫn chưa có một chế tài nào để ngăn chặn có hiệu quả, cho nên cứ tha hồ nói dối, làm thì ít báo cáo thì nhiều, làm dở báo cáo hay. Báo cáo không trung thực theo hướng “tô hồng” thì càng làm giảm lòng tin của nhân dân. Điều tai hại hơn là làm cho cấp trên đánh giá sai tình hình, dẫn tới những chủ trương, chính sách không chính xác. Bệnh thành tích, suy cho cùng, là căn bệnh của những kẻ cơ hội đã và đang làm suy yếu đất nước trên thực tế, cần phải được chữa trị ngay lập tức và tận gốc.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức Đảng, Nhà nước và nhân dân để tấn công các đối tượng mắc bệnh thành tích; đồng thời kết hợp với cơ chế giám sát và có chế tài xử lý nghiêm khắc là những biện pháp chủ yếu nhất định sẽ chữa trị được bệnh thành tích dưới mọi hình thức.

Chiến Hữu-Văn Chính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top