ClockThứ Năm, 10/11/2011 13:45

Tham bát bỏ mâm!?

TTH - Trên số báo Thừa Thiên Huế cuối tuần cách đây chừng 2 tháng, tôi có bài viết “Đâu rồi Đêm Hoàng Cung?” đề cập đến một kết thúc buồn, hay nói đúng hơn là một sự thất bại đáng tiếc của một dịch vụ độc đáo “có một không hai” về đêm của Huế - sản phẩm du lịch Đêm Hoàng Cung. Ngay sau khi báo phát hành, toà soạn đã nhận được ý kiến phản hồi của một người có trách nhiệm từ Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Và chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với “người trong cuộc” nói trên về những vấn đề liên quan đến bài báo trên tinh thần, thẳng thắn và xây dựng. Tuy nhiên, kết cục của câu chuyện về Đêm Hoàng Cung thì vẫn còn... lực bất tòng tâm!

Theo một cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế, trong 2 năm nỗ lực để duy trì dịch vụ trên, mỗi năm đơn vị phải “bấm bụng” chịu lỗ gần 1 tỷ đồng. Lý do không thể tiếp tục duy trì hoạt động được là vì càng làm... càng lỗ. Nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, đơn vị liên quan; nhất là ngành du lịch. Sản phẩm xây dựng nên là để phục vụ du khách, nhưng du lịch không đưa khách đến thì làm sao duy trì được?! Được biết, Trung tâm đang chuẩn bị cho phương án kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động Đêm Hoàng Cung vì nhà nước không thể “bao cấp” và chịu lỗ mãi. Tuy nhiên qua thăm dò, phần lớn các doanh nghiệp vẫn e ngại, vì không có sự phối hợp của ngành du lịch thì rất khó thành công.

 
Có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp du lịch ở Thừa Thiên Huế cho đến nay vẫn nhắm chủ yếu vào việc xây khách sạn, làm nhà hàng... chứ chưa chú ý đến khai thác các dịch vụ phong phú khác đáp ứng nhu cầu của du khách; đặc biệt là nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần với một vùng đất nổi tiếng về văn hóa như Huế. Trong khi mối quan hệ phối hợp ngành của cơ quan quản lý còn chưa mặn mà, thì các doanh nghiệp lại thiếu sự liên kết trong việc tổ chức, khai thác các sản phẩm, dịch vụ theo hướng cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ lợi ích; mà ngược lại, nhiều doanh nghiệp và cá nhân tham gia kinh doanh du lịch chỉ chạy theo lợi ích trước mắt một cách rất hẹp hòi.
 
Trở lại dịch vụ Đêm Hoàng Cung, “người trong cuộc” cho hay, để xây dựng và duy trì sản phẩm mới này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đầu tư nguồn lực và huy động toàn bộ lực lượng của mình cũng như tổ chức tuyên truyền quảng bá... Để thu hút khách, Trung tâm tổ chức phát hành vé qua hệ thống các đơn vị du lịch và chấp nhận mức chi hoa hồng 15% trên giá vé. Vậy nhưng, nhiều đơn vị, cá nhân kinh doanh du lịch không mấy mặn mà; bởi hoạt động về đêm ở Huế còn có ca Huế trên sông Hương, cơm vua... dễ “ăn” hơn. Người ta tính, nếu kéo được khách theo 2 dịch vụ này hoa hồng họ sẽ nhận được là 30%/vé và thường nhận được “tiền tươi” ngay sau đó, chứ không ở mức 15% và cuối tháng mới được thanh toán như bán vé cho Đêm Hoàng Cung(!). Lâu nay, phần nhiều du khách chỉ lưu lại Huế 1 đêm và hầu hết “bị thuyết phục” đi ca Huế trên sông, thì Đêm Hoàng cung phải “tắt đèn” là chuyện... không có gì khó hiểu.
 
Được xem là “chuyện nhỏ”, nhưng hoa hồng bán vé và hoa hồng môi giới nói chung đang là “rào cản” lớn nhất trong việc đưa du khách đến với các sản phẩm, dịch vụ mới của du lịch Thừa Thiên Huế. Rất nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch mới khá hấp dẫn và đầy triển vọng được dày công xây dựng thời gian qua đều “ngậm ngùi” trong cảnh ế khách vì không có mức “hoa hồng thoả đáng” cho những “tay lái khách”. Thực tế cho thấy, để có một sản phẩm, dịch vụ du lịch mới đơn vị tổ chức phải đầu tư nhiều công sức và chấp nhận rủi ro để thực hiện. Thay vì “đồng cam cộng khổ” hợp tác, liên kết để nâng cao chất lượng, quảng bá thu hút khách... để từ đó cùng chia sẻ lợi ích và làm giàu cho du lịch tỉnh, thì lâu nay không ít đơn vị, cá nhân lại làm theo cách ngược lại. Trước hết, họ chỉ “nhập cuộc” khi có lợi lớn. Họ chấp nhận “lái khách” và bán vé với mức hoa hồng “cao ngất ngưởng”; còn hiệu quả của sản phẩm, dịch vụ thì... “sống chết mặc bay”! Ngược lại, nếu thấy có khả năng “ăn nên làm ra” thì họ xúm vào làm theo, thậm chí “đại hạ giá” để cạnh tranh, giành khách... khiến chất lượng ngày càng sút giảm, dẫn đến tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Chính kiểu làm ăn “tham bát bỏ mâm” làm cho ngành du lịch tỉnh ngày càng nghèo nàn và suy giảm chất lượng. Đây cũng là “căn bệnh nan y” của du lịch cố đô trong nhiều năm nay.
 

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top