ClockThứ Năm, 08/03/2012 05:28

Tăng trưởng âm

TTH - Bước vào năm 2012, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp khó khi nhu cầu tiêu dùng giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp và lãi vay của ngân hàng vẫn ở mức cao. Sở Công thương cho hay, tình hình sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2012 tăng chậm, riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng âm. Dẫu kết quả trên chỉ là bước khởi đầu, chưa phản ảnh một cách đầy đủ và toàn diện, nhưng nó là tín hiệu báo trước cho một năm đầy thử thách.

Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng lâu nay, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có vị thế quan trọng trong việc góp phần tạo ra giá trị sản lượng và tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Đáng kể nhất trong khối FDI là Công ty TNHH Bia Huế và Công ty hữu hạn Luks Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, mọi chuyện đã khác. Theo Sở Công thương, trong 2 tháng đầu năm nay giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.103,8 tỷ đồng, tăng hơn 4% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, khu vực DN nhà nước (NN) trung ương tăng hơn 4,8%, DNNN địa phương tăng 4,45%, DN ngoài quốc doanh tăng gần 15%; đặc biệt là khu vực FDI giảm đến 4,8% so với cùng kỳ.

Bước qua năm 2012, mặc dù có sự chuyển biến mạnh về sản xuất, tốc độ tăng trưởng của Công ty TNHH Bia Huế vẫn chưa đạt ngưỡng như kỳ vọng. Trong khi đó, do khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm và sức cạnh tranh đã làm giảm tốc độ tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm nay của Công ty hữu hạn Luks Việt Nam đến 23% so cùng kỳ. Một số DN chủ lực trong sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu như: các công ty may mặc xuất khẩu Scavi, Hanesbrand; một số DN sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến dăm gỗ... gặp không ít khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.  

Không chỉ với các DN FDI, nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ khí sửa chữa, sản xuất đồ uống... cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn khiến sản xuất sút giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của người lao động. Đến nay, tuy chưa có thống kê cụ thể về tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh; nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn về vốn, sản xuất, thị trường tiêu thụ... là không ít. Thực ra, khó khăn trên không còn mới và đã được dự báo từ trước.

Năm 2011 cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh đạt 11,1%, giảm 3,4 – 4,4% so kế hoạch; trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng chỉ tăng 11,6%, thấp hơn 4,4 – 6,4% so kế hoạch. Năm 2012, chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh đề ra từ 12,2 – 12,5%; trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,5 – 15%. Tuy nhiên, để đạt được các chỉ tiêu trên là một thách thức không nhỏ, khi mà những khó khăn về sản xuất kinh doanh, thị trường và vốn của nhiều DN chưa được cải thiện đáng kể.

Kết quả sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm và mức tăng trưởng âm của các DN FDI là một thực tế đáng cân nhắc. Theo chúng tôi, tiến hành khảo sát tình hình, nắm rõ thực trạng, những vướng mắc khó khăn và kiến nghị của các cơ sở sản xuất kinh doanh để có giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn là vấn đề cần sớm đặt ra. Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường liên kết hỗ trợ nhau về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... giữa các DN trong và ngoài ngành trên địa bàn cũng là cách để giúp nhau vượt khó.                 

Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top