Thứ Năm, 26/04/2012 09:50
(GMT+7)
Sướng như... ngân hàng!
TTH - Sau một thời gian dài chờ đợi, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục 2 lần giảm lãi suất huy động từ 14%/năm xuống còn 13 và 12%/năm. Lãi suất giảm, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa mừng; bởi cái lợi vẫn nằm ở phía... các ngân hàng thương mại (NHTM). Chưa bao giờ các DN sản xuất kinh doanh khó khăn như thời gian qua và cũng chưa bao giờ các NHTM được ưu ái và làm ăn thuận lợi như thời gian qua.
Sự thông thoáng trong chính sách phát triển thị trường tài chính, khiến các NHTM ra đời hàng loạt. Ngay cả nhiều tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước cũng góp vốn để mở ngân hàng. Chỉ tính trên địa bàn TP Huế đã có trên 20 văn phòng chi nhánh NHTM với khoảng 40-50 điểm giao dịch, kinh doanh. Không quá lời khi ai đó nói rằng, ở Huế ra đường gặp... ngân hàng.
Sự xuất hiện của hàng loạt NHTM khiến thị trường vốn sôi động hơn, các “thượng đế” có nhiều cơ hội lựa chọn hơn. Tuy nhiên, nhiều chưa chắc đã tốt. Cuộc đua huy động và cho vay của nhiều NHTM ném vào lĩnh vực bất động sản phần nào đẩy thị trường này đi quá xa nhu cầu thực tế khiến giá nhà đất có lúc cao ngất ngưỡng và rơi vào tình trạng... “đóng băng”. Thị trường vốn bị đẩy vào tình trạng không lành mạnh và lạm phát... khiến lãi suất huy động và cho vay thời gian qua tăng cao. Lãi vay cao ngất ngưỡng, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án đầu tư phải tạm ngưng vì khó tiếp cận vốn hoặc không kham nổi lãi vay. Nhiều DN rơi vào tình trạng bế tắc, đình đốn... Cả nền kinh tế chững lại. Còn các NHTM thì sao?
Ba năm trở lại đây, nhiều NHTM công bố mức lợi nhuận hàng năm từ hàng trăm tỷ đến hàng ngàn tỷ đồng. Thu nhập của giám đốc một chi nhánh NHTM tầm tầm bậc trung mỗi tháng cũng trên dưới 50 triệu đồng. Tết vừa rồi, người lao động nhiều DN nhận tiền thưởng cuối năm không đủ mua sắm cho gia đình mấy ngày Tết. Trong khi đó, thưởng tết của CBNV các NHTM đều cao ngất ngưỡng... “Cái sướng” của các NHTM nằm ở mức “chênh lệch tự do” giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Theo một số chuyên gia ngân hàng, với mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay khoảng 2,5%, NHTM có thể “ngồi rung đùi”. Song để tối đa hoá lợi nhuận và đề phòng rủi ro, một số NHTM đã đẩy mức chênh lệch lên từ 4-5% và đề ra những ràng buộc khe khắt với người vay vốn.
Đúng là “trời mưa đất chịu” và “nước lên, bèo lên”. Với mức chênh lệch đó, dù lãi suất huy động tăng hay giảm bao nhiêu, các DN khó khăn như thế nào thì các NHTM vẫn “béo khoẻ” với mức chênh lệch “trời cho”. Do không bị khống chế trần lãi suất cho vay, thời gian qua, nhiều DN vẫn “vô tư” vượt rào lãi suất huy động vốn. Huy động cao, cho vay cao, NHTM có thiệt đâu mà không làm!? Trước những bất thường của thị trường vốn, câu chuyện tái cấu trúc ngân hàng được đặt ra làm loé lên hy vọng của cộng đồng giới DN. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong thời gian qua; đặc biệt là động thái giảm trần lãi suất vốn huy động, thả nổi trần lãi suất cho vay như hiện nay cho thấy các DN vẫn chưa “dễ thở” và các NHTM còn... “sướng dài dài”.
Xem ra chuyện lợi ích nhóm là có thật!?
Hoàng Thành