ClockThứ Sáu, 14/11/2014 05:41

Sông đổ vào đầm

TTH - Sông A Sáp chảy về phía tây, bên kia dãy Trường Sơn. Sông Bù Lu đổ trực tiếp ra biển qua cửa Cảnh Dương. Chỉ con số hai ít ỏi, còn cả chục con sông ở Thừa Thiên Huế đều chung nơi hội tụ trước khi ra biển khơi là một vực lớn, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Bắt đầu từ bắc vào nam, lần lượt những con sông đó là Ô Lâu, sông Hương (gồm cả sông Bồ, Tả Trạch và Hữu Trạch), Lợi Nông, Đại Giang, sông Nong, sông Truồi và sông Cầu Hai. Người ta tính, tổng chiều dài các sông đổ vào Tam Giang - Cầu Hai lên tới 500 cây số.

Mới đây, tôi có dịp về lại vùng hạ lưu, nơi cửa sông Truồi đổ vào đầm Cầu Hai. Con sông Truồi vẻn vẹn chỉ chưa tới 25 cây số chiều dài. Đầm Cầu Hai có diện tích không quá lớn, khoảng 11.200 ha, nhưng cũng đủ để hứng trọn nguồn nước sông Truồi ngay cả vào mùa mưa lũ. Nơi sông Truồi đổ nước đầm Cầu Hai, người ta gọi thành một cái tên chung, vùng sông đầm, như một thông điệp gửi đi không hề có sự phân cách nơi đây. Thông với biển qua cửa Tư Hiền, đầm Cầu Hai có nước lợ, một sự hòa trộn giữa nước biển và các dòng sông, trong đó có sông Truồi. Tôi đặc biệt thích thú cảnh trí nơi đây, có những cánh đồng bời bời lúa tốt nằm cách không xa mặt nước đầm Cầu Hai, nơi từ xa đã thấy thấp thoáng bóng dáng ai đó buông lưới trong ánh nắng chiều rực rỡ. Người dân đầm phá đã giã từ kiếp sống sông nước lênh đênh để định cư trên bờ. Hội đua ghe truyền thống ở sông Truồi có ghe của ngư dân đầm Cầu Hai. Cũng thế, hội đua cầu ngư đầu năm trên đầm phá đã trở thành ngày hội chung của cả toàn vùng sông đầm.

Kéo dài tới 70 cây số dọc bờ biển, có tổng diện tích mặt nước đến 231 cây số vuông, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai xứng đáng với danh xưng vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Chính những con sông Thừa Thiên Huế đã góp phần tạo nên vị thế cho khu đầm phá quan trọng này khi đổ vào đây lượng nước hằng năm lên tới con số 9 tỷ m3. Một thời, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai từng được mệnh danh là “biển cạn”. Câu ca đi vào tiềm thức của bao người: “Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Rộng lớn và dữ dằn thế kia nhưng so với biển khơi, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cũng chỉ là một vực lớn. Và trong vực lớn kia, đầm Cầu Hai là một trong số 3 đầm (còn có thêm đầm Sam, Thủy Tú) cũng chỉ là một cái vực nhỏ.

Bao bọc bởi một bên là đất liền với một bên là những độn cát ven biển, vực lớn Tam Giang - Cầu Hai hay vực nhỏ đầm Cầu Hai như một trạm nghỉ lâu bền trong hành trình của nước sông từ nguồn ra biển. Cũng vì bởi là “trạm nghỉ” mà đầm Cầu Hai đã kịp hãm bớt sự hung hãn của các dòng sông Truồi hay Cầu Hai, hay hiện tượng nước dâng vào mùa lũ dữ. Vô hình chung, ở đây trở thành nơi trú ngụ của thuyền bè tìm sự an toàn hay của chim trú đông di cư dừng lại trong hành trình đi tìm sự ấm áp ở phương Nam và đặc biệt, là nơi sinh sản của bao loài thủy sinh biển có giá trị, như tôm, cua. Con cá, con tôm nước ngọt, nước lợ, nước biển và cả di cư cùng sinh sống bên nhau. Cuộc đời có được mái nhà chung kia, tuyệt vời biết bao nhiêu.

Một lần ngồi ở trên này đập Truồi, nhìn về phía biển, tôi như chợt cảm nhận về một sự chênh vênh khi nghĩ tới sự hình thành của vùng đất mà ta tạm gọi là sông đầm kia. Cùng với Tam Giang - Cầu Hai, đầm Cầu Hai có thể ngày xưa là biển, là “biển cạn” để đến bây giờ nó trở thành đầm. Cũng có thể là những con sông ở Thừa Thiên Huế dùng dằng, không to dài và hung tợn như sông Hồng hay sông Mã, để có thể xới tung bao đất cát, đưa nước đổ thẳng vào biển khơi, đành chấp nhận có một trạm nghỉ là Tam Giang - Cầu Hai, lại như một báu vật đất trời ban tặng kia. Sông đổ vào đầm phá, do thế hình như Thừa Thiên Huế là một trong ngoại lệ...

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top