Thứ Năm, 15/03/2012 06:10
(GMT+7)
Quà tặng bên bờ sông Hương
TTH - Gần đây, tôi có dịp bắt gặp rất nhiều khách du lịch, đặc biệt có cả nhiều người nước ngoài thường dừng lại trước những công trình điêu khắc đặt ở công viên phía trước Trường Quốc Học. Nhiều người trong số họ đã ngắm nghía thật lâu, bàn luận, chụp ảnh và rồi trên khuôn mặt ánh lên niềm vui thích, thể hiện sự thoả mãn về những gì đã mục kích được. Một hình ảnh đẹp ở một thành phố du lịch và văn hoá như Huế.
Được xem là một điểm nhấn trong nhiều kỳ festival và cho đến thời điểm này Huế đã có 5 trại điêu khắc quốc tế. Những tác phẩm điêu khắc nằm dọc đôi bờ sông Hương kia là quà tặng của các nhà điêu khắc trong và ngoài nước tham gia trại sáng tác dành cho Huế. Tuy nhiên, đó là câu chuyện có phần đầu không mấy vui vẻ và suôn sẻ. Trong cách nhìn của nhiều người, sự có mặt của cả trăm tác phẩm điêu khắc ra đời đứng chen chúc đã góp phần phá vỡ cảnh quan hai bờ sông Hương, làm mất đi vẻ đẹp sâu lắng tự nhiên vốn có của nó. Và rồi là sự ứng xử được xem là thiếu văn hoá của một số người, trong đó có cả trường hợp đánh cắp nguyên vật liệu và cố tình phá hỏng các tác phẩm nghệ thuật vì những mục đích khác nhau.
Cảm nhận một công trình nghệ thuật điêu khắc không phải là điều dễ dàng đối với mọi người. Nó đòi hỏi về trình độ, năng lực và cả ý thức, sự đồng cảm và tình yêu nghệ thuật của người xem. Nhiều tác phẩm trong số đó còn là sự gửi gắm tình cảm của những điêu khắc gia nổi tiếng dành tặng cho Huế mà họ đặc biệt trân trọng. Ví như Carole Turner, nữ điêu khắc gia người Mỹ tại trại điêu khắc quốc tế lần thứ 5, muốn tác phẩm của mình có một cái gì đó gắn liền với lịch sử, con người và thiên nhiên của Việt Nam và Huế đã sáng tạo nên bức tượng có tên “Trời và đất” thể hiện hình ảnh một thiếu nữ Huế dịu dàng nhưng cũng đầy sức sống nhìn lên bầu trời bao la, tạo đựơc ấn tượng mạnh đối với nhiều người. Hay như Sue Pedley, đến từ Sydney của Oxtraylia đặc biệt xúc động với câu chuyện của Huyền Trân Công chúa gắn liền với hành trình phát triển vùng đất Cố đô nên đã sáng tác tác phẩm mang tên “Công chúa”.
Tác phẩm điêu khắc Cô gái Việt Nam được đặt bên bờ sông Hương thơ mộng. Ảnh: Internet
Việc đem các bức tượng trưng bày ở một không gian mở như công viên dọc đôi bờ sông Hương do vậy là một sự mạnh dạn, không tránh khỏi những băn khoăn và lo lắng. Điều đáng ghi nhận là sau sự ồn ả ban đầu, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc chủ yếu bằng đá này đã có sự “sống chung” được với cây xanh, với công trình kiến trúc sẵn có. Để rồi, hơn thế nữa, tiếp sau những quà tặng điêu khắc có được từ các trại điêu khắc quốc tế, công viên cây xanh dọc đôi bờ sông Hương gần đây cũng đã đón nhận thêm những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Huế mà tiêu biểu trong đó là bức tượng “Thiếu nữ” một thời xôn xao của Lê Thành Nhơn. Các tác phẩm điêu khắc trở thành điểm nhấn đẹp và công viên đôi bờ sông Hương còn có thể thêm tên gọi là vườn tượng của Huế.
Giờ đây, cũng trong cái nhìn của nhiều người, bên cạnh quần thể di tích chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới, những tác phẩm điêu khắc cũng đã góp phần làm nên những điều khác lạ ở Huế. Hiện du khách đến Huế đều có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm này dọc đôi bờ sông Hương thơ mộng. Còn người dân Huế thì có thể tự hào, những tác phẩm này đã tạo cho Cố đô thêm một nét quyến rũ mà nhiều nơi muốn cũng không thể có được.
Đan Duy