ClockThứ Sáu, 13/07/2012 11:10

Qua đò phải mặc áo phao

TTH - Cuối cùng thì Bộ Giao thông Vận tải cũng ban hành thông tư quy định bắt buộc về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông ngay từ giữa tháng bảy này. Nôm na theo cách nói bình dân có nghĩa là “qua đò phải mặc áo phao”. Một quy định, hơn thế là một mệnh lệnh.

Câu chuyện không mới. Vậy nhưng, cách đặt vấn đề cho thấy sự quyết liệt khi mà ý thức của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường thuỷ không cao và những tai nạn chết người đang là hồi chuông cảnh báo. Thống kê sơ bộ của Cục Cảnh sát đường thủy, năm 2011, các tuyến đường thủy nội địa cả nước xảy ra 150 vụ tai nạn, làm chết 129 người, bị thương 17 người, chìm và hư hỏng 177 phương tiện. Còn hẳn nhiều người chưa quên vụ đắm thuyền trên sông Hương cách nay 9 năm. Tai nạn xảy ra lúc 22h30” ngày 5/8/2003, ngày đầu tiên của lễ hội truyền thống điện Huệ Nam trên dòng sông Hương đã làm chết 4 người. Rõ ràng, con số thiệt hại về người sẽ không lớn đến vậy nếu như mọi người khi lên tàu thuyền vượt sông, vượt phá đều được mặc và tự giác mặc áo phao.

Thừa Thiên Huế là vùng quê sông nước. Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài 68 km thuộc địa phận 5 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, và Phú Lộc với 22.000 ha. Tổng chiều dài sông suối và sông đào đạt tới 1.055km. Mật độ sông suối dao động trong khoảng 0,3-1km/km2, có nơi tới 1,5-2,5 km/km2. Hệ thống cầu cống đường sá được đầu tư xây dựng và mở rộng nhiều trong thời gian gần đây đã giảm bớt phần nào tình trạng cách đò trở sông. Tuy nhiên, giao thông đi lại bằng đường thuỷ vẫn có vai trò đặc biệt, đặt ra vấn đề tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho người dân ở Thừa Thiên Huế.
 
Qua kiểm tra của lực lượng chức năng cho thấy, không ít chủ phương tiện các loại đò ngang, đò dọc đã không chuẩn bị sẵn các loại áo, phao cứu sinh cho khách sang sông và đi đò. Hơn thế là tình trạng đáng buồn, xem như kiểu “vải thưa che mắt thánh”, trang bị áo phao cho có lệ mà không hề có ý thức hay sự nhắc nhở, yêu cầu sử dụng. Còn đối với hành khách là chuyện không có thói quen mặc áo phao khi lên đò. Vậy nên, không ít trường hợp áo phao cứ thấy vứt đống mà cả chủ lẫn khách chẳng ai ngó ngàng chi.
 
Chuyện về cái áo phao gợi nhớ về chiếc mũ bảo hiểm dạo nào. Đi trên đường phố hiện nay nhìn thấy người đi xe máy chấp hành nghiêm chỉnh việc đội mũ bảo hiểm, dễ dàng thấy ngay hiệu quả của một quy định pháp luật. Đó là điều mà trước đó chừng 5 năm còn là sự e ngại. Bài học về chiếc mũ bảo hiểm là kinh nghiệm quý báu dành cho chiếc áo phao. Thiết nghĩ, cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức của chủ phương tiện cũng như khách qua đò về mặc áo phao, cứu sinh, dụng cụ cứu sinh, công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm minh của lực lượng chức năng, chính quyền sở tại cũng là biện pháp hữu hiệu để đưa việc mặc áo phao qua đò thành thói quen.

Đan Duy 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top