ClockThứ Năm, 19/07/2012 05:41

Phê bình và tự phê bình với động cơ trong sáng trên tinh thần đồng chí

TTH - Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra nghị quyết: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết đã và đang được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hồ hởi đón nhận với kỳ vọng ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và nhân dân.

Nghị quyết đã nêu ra bốn giải pháp chủ yếu cần tiến hành, trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cấp trên được đặt lên hàng đầu.

Trong phê bình và tự phê bình phải luôn nhớ lời Bác Hồ dạy: Tự phê bình và phê bình là phương thức tốt nhất để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Người nhấn mạnh: “Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình. Từ trên xuống dưới, ai nấy đều dùng nó để càng ngày càng đoàn kết, tiến bộ”. “Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
 
Tự phê bình và phê bình trong Đảng, phải có tình thương yêu đồng chí, tự hào, vui mừng trước cái tốt của đồng chí mình, chia sẻ, xót xa trước sai lầm của đồng chí, lấy đồng chí làm bài học để rèn luyện mình. Tự phê bình và phê bình không phải là vũ khí “đánh” nhau, xem khuyết điểm của đồng chí là lợi khí của mình, biến những cuộc họp kiểm điểm thành nơi “đấu đá” và “hạ bệ” nhau. Phải từ tình đồng chí, mà tìm thấy mục đích, động cơ đúng đắn, phương pháp tốt tự phê bình và phê bình.
 
Những lệch lạc trong tự phê bình và phê bình cần được chấn chỉnh, đồng thời lành mạnh hóa sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Bác Hồ còn dạy chúng ta cách thức tự phê bình và phê bình sao cho đạt mục đích và hiệu quả hơn.
 
Phê bình và tự phê bình là một vấn đề rất nhạy cảm, đụng chạm đến từng cá nhân, tổ chức, cho nên, tâm lý thường là thích khen hơn thích chê. Bác Hồ nhắc nhở: “Phải kiên quyết chống thói nể nang và che giấu, chống thứ “trước mặt thì nể, kể lể sau lưng”. “Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật”.
 
Người khẳng định: “Phê bình cho đúng chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của cán bộ, của Đảng. Trái lại, còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn, do đó, mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”.
 
Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Khi đã mắc sai lầm rồi, “muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”.
 
Tự phê bình và phê bình, theo Bác, là một vũ khí sắc bén để đấu tranh trong nội bộ Đảng, làm cho tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng ta ngày một trưởng thành. Điều đó đã được Người chứng minh qua thực tế lịch sử: “Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo léo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình”.
 
Trong bài diễn văn khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (5/9/1960), một lần nữa, Bác lại nói rõ quan điểm của Đảng ta rằng: “Đảng ta đã thu được nhiều thắng lợi to lớn, nhưng không phải là không có sai lầm. Song chúng ta đã không hề che giấu sai lầm, trái lại, chúng ta đã thật thà tự phê bình và tích cực sửa chữa”. Bác còn chỉ rõ: “Chỉ có Đảng chân chính cách mạng và chính quyền thực sự dân chủ mới dám mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa”. Chỉ có “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì người đó không xứng đáng là cán bộ”.
 
Những lời dạy của Người về phê bình và tự phê bình là những luận điểm mang tính khoa học và nhân văn sâu sắc, đặc biệt có ý nghĩa to lớn khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng hiện nay.
 
Về tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Chỉ thị của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tập thể, cá nhân), các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng kiểm điểm trước với tinh thần gương mẫu để cấp ủy, cán bộ, đảng viên cấp dưới thực hiện theo. Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên kiểm điểm tự phê bình và phê bình không đạt yêu cầu phải kiểm điểm lại; kiên quyết xử lý kỷ luật những cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên không tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, không tự nhận được sai lầm, khuyết điểm, không khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm đã nêu ra. Những trường hợp có vi phạm, tự giác kiểm điểm, tự phê bình nghiêm túc, tích cực sửa chữa, khắc phục sẽ được xem xét giảm hoặc miễn xử lý kỷ luật”.
 
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình nghiêm túc theo Nghị quyết Trung ương 4, cần tránh tình trạng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, mà nhất thiết “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”; coi trọng phương châm “trị bệnh cứu người”, lấy “xây để chống” là chủ yếu, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt cụ thể cũng phải “lấy chống để xây” theo đúng quy luật “muốn phát triển, phải chấp nhận đào thải”. “Có vào, có ra, có lên, có xuống” phải trở thành nền nếp bình thường trong công tác cán bộ, đảng viên.
 
Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, tự phê bình và phê bình được coi là nhóm giải pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “khâu mấu chốt nhất”, nhưng đó không phải là giải pháp duy nhất. Còn có nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
 
Chiến Hữu – Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top