ClockThứ Năm, 21/06/2012 05:49

Phê bình công khai trên báo chí

TTH - Trên báo chí, dù biểu dương hay phê phán, đều phải nhằm mục đích xây dựng. Khi phê bình, báo chí cần loại trừ sự phê bình với dụng ý xấu, hoặc vì động cơ cá nhân. Ngay khi có động cơ hoàn toàn trong sáng, cũng phải biết tiến hành phê bình thật nghiêm túc, thận trọng, khách quan, bảo đảm đầy đủ tính tư tưởng, tính chân thật, tính chiến đấu, tính quần chúng để đạt được hiệu quả cao nhất.

Trong xã hội ta, nhiều nhân tố mới luôn luôn phát sinh và phát triển. Có biết bao nhân tố mới cần được biểu dương nhưng cũng có biết bao nhiêu người và việc cần được kịp thời phê phán công khai trên báo chí. Phê bình công khai trên báo chí cần tập trung vào những vấn đề nổi cộm thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, có nhiều tấm gương cụ thể, sinh động, có khả năng lôi cuốn, tác động tích cực đến quần chúng, đồng thời, có những tệ nạn cần phê phán, công khai vạch rõ cho quần chúng biết về những hiện tượng vi phạm trật tự kỷ cương Nhà nước, nạn tham nhũng, đặc quyền đặc lợi, tệ quan liêu, mất dân chủ, trù dập, ức hiếp quần chúng, sự bảo thủ trì trệ và nhiều tệ hại khác. Trong cuộc họp mặt thân mật các tổng biên tập, biên tập viên báo, đài và các nhà báo lão thành ở Hà Nội, ngày 24 và 25 tháng 5 năm 1990, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói: “...Báo chí phải đấu tranh đến cùng, không làm nửa vời, phải truy tận gốc”. Nhưng điều quan trọng hơn hết là phê bình công khai trên báo chí phải dựa trên cơ sở phân tích khoa học, không chỉ phản ánh mà còn hướng dẫn dư luận quần chúng, tạo ra dư luận xã hội lành mạnh cần thiết. Phê bình công khai trên báo chí là việc khó, nhất là khi bản thân cuộc sống cũng đang còn trăn trở, chuẩn mực phân biệt đúng sai cũng có những trường hợp chưa thật rõ ràng. Nhưng tất cả, trên mọi vấn đề, để đạt hiệu quả tốt, “phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn, nói có sách, mách có chứng. Phải phê bình với tinh thần thành khẩn, xây dựng,”trị bệnh cứu người”. “Chớ phê bình lung tung, không chịu trách nhiệm”.

Nếu phê bình sai thì báo chí cũng phải nghiêm túc tự phê bình, nhận khuyết điểm công khai trên báo chí. Nếu phê bình đúng mà vẫn bị đối phó thì báo chí phải đấu tranh đến cùng.
 
Trong thực tế, nhiều đơn vị, cá nhân có khuyết điểm được báo chí phê bình, nhưng không chịu nhận khuyết điểm để sửa chữa, thậm chí có trường hợp còn kêu oan, hoặc đi khiếu kiện, và không ít đơn vị, cá nhân tỏ ra hằn học báo chí, trù dập người phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Những người (bất kỳ ở địa vị nào) và những cơ quan được phê bình phải có thái độ thật thà khiêm tốn. Phê bình đúng thì phải đăng báo nhận khuyết điểm và quyết tâm sửa chữa; nếu phê bình sai, đăng báo giải thích. Quyết không được “phớt” lời phê bình và “trù” người phê bình. Có một vài cán bộ và cơ quan vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt đối với họ, thậm chí đi kiện họ trước toà án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt”.
 
Tính công khai trên báo chí chỉ có sức hấp dẫn mạnh khi nó nói lên tiếng nói trung thực của Đảng, của nhân dân; khi nó có tác dụng thức tỉnh lương tâm của những người đang đứng trước khả năng lựa chọn xấu; khi nó biết nhân danh công lý để vạch mặt bọn người mà trái tim của chúng đã hóa thành đá; khi nó biết biểu dương cái chân - thiện - mỹ trong cuộc sống đấu tranh và lao động của nhân dân ta.
 
Sử dụng vũ khí công khai đòi hỏi báo chí phải có tinh thần trách nhiệm cao; phải tự đổi mới để trở thành người tiêu biểu cho lương tâm trong sạch, cho trí tuệ sáng suốt của Đảng và nhân dân. Muốn vậy, một việc làm có ý nghĩa quyết định là báo chí cần thường xuyên chống những hiện tượng tiêu cực của bản thân báo chí. Có làm được như vậy, báo chí mới có khả năng thắp sáng niềm tin của quần chúng.
 
Công khai trên báo chí chỉ có hiệu lực khi nó gắn liền với công bằng. Uy tín của báo chí càng cao khi báo chí bảo đảm tính khách quan, chân thực; khi báo chí công khai phê bình với lương tâm trong sáng, trách nhiệm cao, với trí tuệ sáng suốt và lòng nhân đạo cao cả.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhấn mạnh các yêu cầu có tính nguyên tắc cho việc phê bình công khai trên báo chí, mà còn rất quan tâm đến cách thức giải quyết các vụ việc do báo chí nêu ra như phải xử lý ngay, không “đánh trống bỏ dùi” hoặc theo kiểu “sống chết mặc bay”.
 
Phê bình công khai trên báo chí cần được mở rộng với chất lượng cao hơn nữa, góp phần phục vụ có hiệu quả việc tổ chức triển khai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT-TW, ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Chiến Hữu – Văn Chính

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top