ClockThứ Năm, 26/07/2012 15:10

Phải biết “nuôi bò để vắt sữa”

TTH - Từ ngày 15/7/2012, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải hạ lãi suất các món vay cũ xuống dưới 15%/năm. Quyết định nói trên của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không chỉ là tin vui đối với giới doanh nhân đang hoạt động phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, mà còn được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu cho cả nền kinh tế đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, một số NHTM vẫn còn lừng khừng.

Hơn một tuần trôi qua từ mốc 15/7, thế nhưng tại Thừa Thiên Huế, một số chủ DN lắc đầu khi chúng tôi đề cập đến vấn đề trên. Được biết, trong khi một số NHTM lớn trên địa bàn đã bắt đầu triển khai thực hiện, thì vẫn còn nhiều NHTM nhỏ vẫn chần chừ. Lý do là họ phải cân nhắc, xem xét các món nợ cũ và không thể miễn giảm lãi suất đối với những DN đang nợ quá hạn. Ngoài ra, để có thể giảm các món nợ cũ về mức dưới 15%/năm, các NHTM phải cắt giảm chi phí vận hành, chi phí vốn… Mặt khác, bản thân ngân hàng cũng phải huy động với lãi suất cao nay cho hạ lãi suất dưới 15% thì ai bù lỗ? Ở một khía cạnh khác, “bóng ma nợ xấu” vẫn là nỗi ám ảnh khiến nhiều NHTM ái ngại. Đó là chưa kể tới những tính toán thiệt hơn đối với các món vay cũ…

Tuy nhiên, đôi khi lý do chỉ là… lý do. Bởi theo một số DN, ai chẳng biết trước đây các NHTM cũng phải huy động vốn với lãi suất cao để cho vay cao; nhưng mấy tháng nay lãi suất huy động đã lùi về mức 9%, nên việc giảm lãi suất cho các món vay mới và cũ cũng là điều hoàn toàn nằm trong khả năng có thể của các NHTM... Vì giảm lãi suất các món nợ cũ cũng chính là giảm lãi, nên một số NHTM cũng thấy… tiếc!? Thế nên, nói dễ hay khó, giảm hay không… đều tùy thuộc vào các “chủ nợ”.
 
Theo một số chuyên gia kinh tế, về lý thuyết, chênh lệch 3-4% giữa lãi suất huy động và cho vay các NHTM đủ bù đắp chi phí và có lãi. Thế nhưng, thực tế đang diễn ra nhiều tháng qua chênh lệch nhiều khi đã lên đến 8-10%. Và kết quả, ngân hàng “lãi khủng”; người gửi tiết kiệm thiệt đơn thiệt kép; DN khốn đốn vì lãi suất cao... Và một khi nhiều DN rơi vào tình trạng phá sản, đình trệ sẽ kéo theo sự khó khăn của không ít NHTM và cả nền kinh tế. Con số 1.600 DN ngừng SXKD trong tổng số 3.200 DN tại Thừa Thiên Huế và khoảng 670 tỷ đồng nợ xấu của hệ thống các NHTM trên địa bàn tỉnh là một thực tế. Ở bình diện cả nước, những con số trên còn “khủng” hơn nhiều. Vậy nên, đã đến lúc các NHTM cần ngồi lại với DN để tính toán thiệt hơn và phải biết “nuôi bò để vắt sữa” một cách lâu dài.
 
Ở vai trò quản lý Nhà nước, NHNN Thừa Thiên Huế cần kiểm tra và thông tin đầy đủ việc chấp hành các chủ trương của Thống đốc NHNN đối với các NHTM trên địa bàn, nhằm tránh tình trạng “trên bảo, dưới không nghe” vì lợi ích cục bộ và hẹp hòi của đơn vị. Hội Doanh nghiệp tỉnh cũng cần có thông tin kiểm chứng việc thực hiện chủ trương trên từ các DN hội viên để… có ý kiến. Đây là những động thái cần thiết để góp phần hỗ trợ cho các DN trên địa bàn tỉnh và nền kinh tế nói chung tiếp tục hồi phục và phát triển.
 
Hoàng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top