ClockThứ Năm, 15/11/2012 06:09

Nỗi lo mất rú

TTH - Trên này phố thị, anh bạn lớn tuổi của tôi đứng ngồi không yên khi hay tin ở quê, một vùng đất cát nằm vắt vẻo giữa một bên là phá Tam Giang với nửa còn lại là biển cả mênh mông, có lắm kẻ kéo nhau lên rú cát triệt hạ những cây mật nhân, còn gọi là cây bập bện, được đồn đại là thần dược, trị được bá bệnh. Nguồn lợi thu được từ loại cây mật nhân có thể đong đếm được và xem chừng cũng chẳng có bao nhiêu. Lo nhất là rú, phải qua bao đời, chọn lựa và đào thải biết bao thứ cây trồng hoang dại để giữ lại được loại thích nghi, mới nên hình hài dáng vóc, giờ đây đứng trước sự đào bới, phá huỷ không thương tiếc của những kẻ chạy theo đồng tiền, với những lời đồn “vô sư, vô sách”.

Trong ngôn ngữ Việt, rừng cũng là rú- rừng rú bạt ngàn. Vậy nên, cũng có thể hiểu một cách đơn giản “rú cát” là một dạng “rừng trên cát”, là diện tích đất có thảm thực vật là cây bụi che phủ. Diện tích chỉ hơn 5.000 cây số vuông, Thừa Thiên Huế xứng danh với tên gọi dải đất hẹp khi có bờ biển dài 126 cây số và hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai rộng đến 22 ngàn hécta. Ven phá là đất bãi cát. Kẹp giữa một bên đầm phá và biển khơi cũng là bạt ngàn đất cát bạch sa, là những độn cát kéo dài, ngất nghểu. Ai đã giữa trưa hè đi qua những trảng cát bạt ngàn rát bỏng hay từng sống và chịu đựng bởi nạn cát bay, cát nhảy, cát chảy, cát trôi mới thấy yêu thương và gắn bó với màu xanh cây cỏ nơi rú cát yêu thương.

Việc khai thác cây mật nhân ở Phú Vang làm cho nhiều rú cây bị tàn phá. Ảnh: Thái Bình

Tuỳ theo khả năng giữ nước và độ ẩm mà ta có các loại rú cát khác nhau. Rú khô hạn gặp ở các đồi cát cao, quanh năm khô nước. Rú bán khô hạn gặp ở các đồi cát trung bình hoặc đồi cát cao gần khu dân cư và sản xuất nông nghiệp. Hay rú ẩm bắt gặp nơi vùng đất ven trằm, bàu. Dù bất cứ ở dạng thể nào, tồn tại và phát triển từ đời này qua đời khác cho đến hôm nay, trên những rú cát là những loại cây mọc hay thảm thực vật đặc biệt, có khả năng chịu đựng và thích nghi đến bất ngờ. Cây mật nhân đang bị săn tìm và truy bức là một ví dụ. Thân và cả củ, rễ cây mật nhân đều chắc và cứng; trong đó, những cây nhiều năm tuổi có bộ rễ nặng tới 10-15kg. Rễ to và rễ dài là để tìm kiếm “thức ăn, nước uống” quá khó khăn nơi vùng xứ cát để nuôi thân. 

Rú cát trên mảnh đất Thừa Thiên thật kỳ lạ. Lụt to, đó là nơi trú ngụ khá an toàn. Giữa mênh mông cát trắng, bên bìa rú là những lùm cây không rậm rạp lắm, nhưng cũng vừa đủ cho trẻ con lên vui đùa với cát, leo trèo hái sim hái bứa, và cũng vừa đủ kín đáo để làm nơi hẹn hò thơ mộng của những cặp gái trai yêu nhau. Rú cát cũng là nơi người dân vùng cát tìm cho mình một phần đất đắc địa, gọi là cái “sinh phần”. Rừng rú vùng cát được bảo tồn và phát triển, tình trạng sa mạc hoá được đẩy lùi. Tất nhiên, con người được hưởng lợi. Nó như một tấm lá chắn che chở cho cuộc sống của người dân, bảo tồn đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái cho vùng biển và ven phá.

Người xưa, tại những vùng cát như Mỹ Lợi (Phú Lộc) hay một số nơi ở Phong Điền, trong hương ước các làng xã có ghi rõ trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn rú cát. Cũng chuyện ngày xưa và nữa là chuyện của bây giờ là phong trào trồng rừng trên cát, để hỗ trợ cùng với rú tự nhiên, nhằm đối phó với nạn cát bay, cát lấp, tạo nên lá chắn tốt nhất tránh tình trạng biển xâm thực. Để rồi, bên cạnh các loại thực vật hoang dại, như xương rồng, tràm, chổi, mua, sim, chạc chìu, dứa dại... người ta đã tìm ra được các loại giống cây trồng thích hợp cho việc phát triển rừng, làm đa dạng hóa thành phần loài cho thảm thực vật vùng cát phòng hộ ven biển, như keo lưỡi liềm, phi lao hay các loại dứa, hóp...

Nên rừng, nên rú là chuyện đâu dễ. Rú cát như một nét lạ mà quen và gần gũi của vùng đất Thừa Thiên. Câu thành ngữ phổ biến ở xứ Huế nghe cứ như muối xát vào lòng: “Rú tàn, làng mạt”. Và tôi như chợt hiểu hơn nỗi lo mất rú của người bạn lớn tuổi khi cây cối bị đốn phá tan hoang.

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top