ClockThứ Năm, 26/06/2014 13:30

Những thử thách và cơ hội đổi mới

TTH - Đối phó với âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông, chủ trương đấu tranh hòa bình, tránh xung đột vũ trang, tận dụng các biện pháp ngoại giao, truyền thông, sử dụng luật và các tổ chức quốc tế của chúng ta đã phát huy được những hiệu quả bước đầu. Chiến lược tranh thủ sự ủng hộ quốc tế cũng thu được nhiều kết quả. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có có 2 cường quốc kinh tế thứ nhất và thứ ba thế giới là Mỹ và Nhật đã lên tiếng ủng hộ cho chủ trương giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình của Việt Nam. Dẫu vậy, tuyên bố và những hành động kèm theo trong thời gian qua của chúng ta cũng như của thế giới vẫn chưa ngăn cản được những động thái leo thang ngày càng nhanh chóng và ngang ngược của Trung Quốc thời gian gần đây. Do đó, Việt Nam cũng cần có những chiến lược đối phó quyết liệt hơn, mà trước hết là phải thoát khỏi những ảnh hưởng của Trung Quốc để có thể mạnh dạn, độc lập đưa các biện pháp của mình, nói cách khác là phải “thoát Trung”. Chiến lược này, có thể đưa đến những khó khăn ban đầu trong việc phát triển kinh tế và đường lối đối ngoại, nhưng lâu dài sẽ đem đến những lợi ích bền vững.

Trước hết là về lĩnh vực kinh tế. Đây chính là vấn đề làm nhiều người lo ngại nhất vì Trung Quốc và Việt Nam có quan hệ kinh tế rất mật thiết. Trong năm 2013, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là 10% và nhập khẩu là 28,1%. Nhiều dự án lớn của Việt Nam đã lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc tuy nhiên, về mặt đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thì số vốn từ Trung Quốc không chiếm tỷ lệ cao, mà đa số lại xuất phát từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan, là những đối tác đã và có nhiều tiềm năng ủng hộ Việt Nam “thoát Trung”. Tương tự, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư Trung Quốc chỉ chiếm tỷ lệ 0,33% quy mô vốn thị trường, là một con số rất nhỏ. Như vậy, vấn đề quan trọng nhất khi Việt Nam phải đối phó chính là thị trường xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là thị trường của toàn thể giới, vượt qua những cú sốc ban đầu nếu Trung Quốc đóng cửa giao thương buôn bán, chúng ta vẫn có thể đến với những thị trường khác, trước mắt là với Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ. Làm ăn với những đối tác này, vốn có yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng hàng hóa, cũng là áp lực và cơ hội để chúng ta nâng cao chất lượng hàng hóa, cải tiến sản xuất. Hàng hóa nhập khẩu từ họ cũng có chất lượng cao hơn nhiều so với hàng Trung Quốc.

Vấn đề quan trọng thứ hai là chính trị. Một tuyên bố “thoát Trung” chắc chắn sẽ làm Trung Quốc giận dữ và tạo những áp lực về chính trị và ngoại giao quyết liệt. Từ khi hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao bình thường cuối thập kỷ 80, Việt Nam cũng đã ít nhiều học theo một số mô hình Trung Quốc để phát triển kinh tế, chính trị. Tuy nhiên, những động thái mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông, rõ ràng họ đã bộc lộ chủ nghĩa dân tộc bá quyền. Thoát ly khỏi sự ảnh của Trung Quốc, chúng ta có điều kiện để độc lập xây dựng những hình mẫu mới.
Điều quan trọng thứ ba là quốc phòng. “Thoát Trung” có thể dẫn đến một sự căng thẳng hơn nhất định trong việc đối phó với hiểm họa quốc phòng từ Trung Quốc. Nhưng rõ ràng đây là tình thế không thể tránh khỏi. Chúng ta không chạy đua vũ trang, nhưng một cái nhìn rõ ràng về Trung Quốc sẽ tránh cho ta được những bất ngờ từ nước láng giềng này. Một nền độc lập thật sự vững bền cũng phải đặt cơ sở trên một nền quốc phòng vững mạnh. Hơn nữa, “thoát Trung” cũng đem lại những mối quan hệ và ủng hộ mạnh mẽ hơn từ những nước có chung mối lo đối phó với Trung Quốc. Tinh thần của nhân dân cũng sẽ lên cao hơn khi chiến lược đối phó với Trung Quốc được đẩy mạnh. Kết hợp tất cả những điều kiện nội lực và ngoại lực đó, chúng ta có thể vươn mình mạnh mẽ trong quốc phòng để bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Điều đáng nói cuối cùng chính là văn hóa. Văn hóa Việt Nam từ xưa đã chịu ảnh hưởng từ nền văn minh Trung Hoa. Tất nhiên, được biết như là một nền văn hóa lớn của nhân loại, những ảnh hưởng này có rất nhiều điểm tốt đẹp và “thoát Trung” không có nghĩa là phủ nhận tất cả những điều đó. Điều cần làm trước hết là nhìn nhận rõ hơn về những nhược điểm của sự ảnh hưởng này đến sự phát triển của văn hóa và kinh tế xã hội. “Thoát Trung” về mặt văn hóa là đẩy mạnh sự chọn lọc, kế thừa những điểm hay của văn minh phương Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng, kết hợp chúng với những tinh hoa của nền văn minh phương Tây, như chủ trương của Đảng và Chính phủ từ lâu nay. Tích cực làm điều này, chúng ta cũng có thể đạt được những thành quả rực rỡ như nước Nhật đã làm vào thời Minh Trị với chiến lược “thoát Á”, để xây dựng được một nền văn minh mới trong đó những giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc vẫn được gìn giữ và phát huy.

Nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta lại một lần nữa bị đe dọa. Những khó khăn và thử thách này cũng là cơ hội để chúng ta đổi mới, thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc, hướng tới một nước Việt Nam mạnh hơn, tự cường hơn và văn minh hơn.

Hà Viết Hải
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top