Thứ Năm, 19/04/2012 09:42
(GMT+7)
Những cuộc hội ngộ kỳ lạ bên sông Hương
TTH - Trước thềm khai mạc Festival Huế 2012, một cuộc hội ngộ đã diễn ra bên sông Hương khi công trình di dời và đặt tượng Phan Bội Châu tại Công viên 19 Lê Lợi được khánh thành. Trong niềm vui sau hơn 20 năm tìm bến đỗ cho tác phẩm, cuộc hội ngộ có mặt các trí thức, văn nghệ sĩ như họa sĩ Vĩnh Phối, cựu Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, nhà sử học Lê Viết Ngạc, dịch giả Bửu Ý...Họ là những người đã sống, đã sát cánh bên điêu khắc gia Lê Thành Nhơn trong những ngày vận động hoàn thành bức tượng. Trong số khách mời của sự kiện văn hóa đặc biệt ấy, có một nhân vật đặc biệt. Đó là ông Phan Thiệu Cát, cháu nội của cụ Phan vừa trở về từ Canada.
Như một mối nhân duyên, một ngày sau Festival Huế, trên khoảng xanh yên ả ấy của sống Hương, lại diễn ra một cuộc hội ngộ khác. Lần này là 60 công dân Nhật Bản đến từ T.P Fukuroi-nơi mà cách đây hơn 100 năm, một mối giao hữu đặc biệt giữa hai dân tộc Việt-Nhật đã được khởi thủy, bằng phong trào Đông Du của cụ Phan trên đất Nhật. Giữa cái nắng đổ lửa của Huế, họ cung kính dâng lên tượng cụ Phan những lẵng hoa đỏ thắm. Kỳ lạ thay, cuộc hội ngộ này lại có hai nhân vật đặc biệt. Ngoài ông Phan Thiệu Cát, còn có con trai của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn, vừa trở về từ Australia. Với vốn tiếng Việt bập bẹ, chỉ biết anh là con thứ ba trong số 4 người con của Lê Thành Nhơn, đã tìm về Huế, để được nhìn ngắm những tác phẩm đề đời của cha mình, như một nhân duyên, đều đang đựơc đặt bên sông Hương, trên con đường Lê Lợi đẹp nhất của T.P Huế.
Những ngày Festival Huế sôi động, hỏi lý do vì sao lại gồng gánh cả ngàn cổ vật Đông Sơn về Huế? Nhà sưu tập cổ vật đình đám Bắc Hà Đoàn Anh Tuấn bảo, đó là nhân duyên. Hỏi cô gái tóc xù Phó An Mi lý do bốn kỳ Festival, năm nào cũng vào Huế diễn, cô cũng bảo, đó là cái duyên...
Và trong cuộc hội duyên hi hữu hôm ấy cạnh cầu Trường Tiền, ông Phan Thiệu Cát chỉ kịp tiết lộ, ông rất hay về Huế. Những cuộc trở về thầm lặng và tự nhiên như lá rụng về cội. Ông cũng đang thu thập tư liệu để hình thành một thư viện điện tử về Phan Bội Châu lấy tên Phan Sào Nam. Còn với người thanh niên trẻ trở về từ Úc, dù chưa kịp hỏi anh những dự định cho Huế nhưng có vẻ như hai chữ nhân duyên mà cách đây hơn 30 năm, cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn-một người con của vùng đất Thủ Dầu Một đã lỡ bén, lại được tiếp nối...
Kim Oanh