ClockThứ Tư, 29/08/2012 06:45

Nhân sắp khánh thành cầu mới bàn về việc đặt tên cầu ở vùng Huế

TTH.VN - Những người có quan tâm đến văn hóa của vùng Huế đã ngạc nhiên khi đọc thấy những cái tên “trái khuấy” của một số chiếc cầu được xây dựng trong mấy chục năm vừa qua tại địa phương. Chẳng hạn như cầu Trừng Hà bị gọi nhầm thành cầu Trường Hà, hoặc cầu Huyền Hạc bị đặt tên sai thành cầu Bạch Yến.
Nay đọc báo Thừa Thiên Huế ngày 21 – 8 – 2012 có bài “Cầu đường bộ Bạch Hổ chuẩn bị thông tuyến”, xin được lạm bàn đôi chút về việc đặt tên cầu để phù hợp với truyền thống văn hóa và lịch sử của địa phương.
Cầu Bạch Hỗ bắc qua sông Hương. ảnh Thái Sơn
 
 
1. Cầu Trừng Hà hay Trường Hà ?
 
Địa danh Trừng Hà đã xuất hiện từ hơn 200 năm nay trong các bộ sách lịch sử và địa chí của triều Nguyễn, chẳng hạn như trong bộ “Đại Nam Thực lục” hoặc trong bộ “Địa bạ” của các làng xã do triều đại này thực hiện từ năm 1810 dưới thời Gia Long. Trừng Hà là tên của một trong 354 làng của tỉnh Thừa Thiên thuở ấy. Làng này nằm bên bờ phá Tam Giang, thuộc địa phận huyện Phú Vang. Tên làng được sử sách ghi rõ bằng chữ Hán là 澄河 (Trừng Hà), nghĩa đen là “sông trong”. Bao thế hệ trong làng từ xưa đến nay đều ghi địa danh ấy vào trong mọi loại giấy tờ, từ giấy khai sinh, gia phổ, giấy hôn thú, giấy nhà đất, cho đến thẻ chứng minh nhân dân. Đùng một cái, khi xây cầu hiện đại từ làng này bắc qua phá Tam Giang, chẳng hiểu vì lý do gì mà “ông cầu đường” tự tiện đổi tên Trừng Hà thành ra Trường Hà (nghĩa đen là “sông dài”) !
 
2. Cầu Huyền Hạc hay Bạch Yến ?
 
Cầu Huyền Hạc nằm trước mặt cửa Chánh Bắc (tức là cửa Hậu) và cầu Bạch Yến nằm trước mặt cửa Chánh Tây của Kinh Thành. Cả hai cầu đều bắc qua hệ thống Hộ Thành Hà và được xây dựng vào năm 1808 và tọa lạc ở hai mặt thành khác nhau: một ở mặt bắc (tại một vị trí của sông Đào) và một ở mặt tây (tại một vị trí của sông Kẻ Vạn).
 
Ngày xưa, các cầu chung quanh Kinh Thành đều được triều đình dựa vào Dịch lý và thuật Phong Thủy để đặt tên. Các cầu đã được định danh bằng sự phối hợp giữa ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), ngũ sắc (trắng, xanh, đen, đỏ, vàng) và ngũ phương (tây, đông, bắc, nam, trung ương) và tứ tượng (thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ).
 
 Vào năm 1994, để đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải bằng đường bộ ở cửa ngõ phía đông bắc của thành phố Huế, chính quyền đã cho xây dựng một cây cầu hiện đại ở vị trí cầu Huyền Hạc cũ. Khi xây xong vào năm 1997, đáng lẽ phải đặt tên là cầu Huyền Hạc như xưa, “ông cầu đường” lại cắm ở đầu cầu một tấm biển đề tên là “Cầu Bạch Yến” ! Có thể nói đây là một động tác “đem râu cha nọ đặt cằm mẹ kia”, vì phía bắc thuộc hành thủy, ứng với màu đen (huyền, huyền vũ, Huyền Yến, Huyền Hạc), trong khi đó thì màu trắng thuộc hành kim, ở phía tây. Ngày xưa, hai cầu Bạch Yến và Bạch Hổ đều nằm ở phía tây của Kinh Thành. Cầu Bạch Yến tọa lạc phía trước cửa Chánh Tây và cầu Bạch Hổ nằm trên con đường vượt qua sông Kẻ Vạn để đi lên Kim Long.
 
Cầu Bạch Hỗ trước ngày khánh thành. ảnh Thái Sơn
 
 
3. Nên đặt tên cho cầu mới xây là Bạch Hổ hay Dã Viên ?
 
Vào năm 1908, khi chiếc cầu bằng sắt bắc qua sông Hương được xây dựng xong và bắt đầu hoạt động để nối tuyến tàu hỏa Bắc – Nam, thì nó được đặt tên là cầu Dã Viên, vì đoạn giữa của cầu này gác lên cồn Dã Viên trên sông Hương (hay nói một cách chính xác hơn, phần giữa của đoạn đường sắt ở đây đã được xây dựng ngay trên mặt đất của cồn Dã Viên). Nhưng, vì đầu phía bắc của cầu này nằm quá gần cầu Bạch Hổ cũ (nay gọi là cầu Kim Long), cho nên có một số người đã gọi nhầm cầu Dã Viên là cầu Bạch Hổ !
-                    
Đị Địa danh Dã Viên đã xuất hiện tại chỗ từ năm 1868, khi vua Tự Đức cho xây dựng xong một khu vườn ngự trên cồn này và đặt tên cho nó là Dữ Dã Viên, còn được nhà vua gọi tắt là Dã Viên.
 
-          Ý nghĩa của địa danh Dã Viên đã được gợi hứng từ một câu chuyện ghi chép trong sách Luận ngữ. Câu chuyện là một cuộc đàm thoại giữa Đức Khổng Tử (551 – 479 TCN) và 4 môn đệ của Ngài. Đức Khổng Tử hỏi họ rằng nếu như thiên hạ biết đến tài năng của họ mà mời ra giúp việc nước thì họ sẽ làm gì ?
 
-          Tử Lộ và Nhiễm Hữu đều thưa nếu ở vào cương vị lãnh đạo một đất nước thì nội trong ba năm sẽ làm cho dân chúng no đủ, dũng cảm và làm tròn nghĩa vụ. Người thứ ba là Tây Công Hoa bày tỏ ý kiến chỉ chú trọng đến việc tế lễ ở tôn miếu của nhà nước. Riêng đồ đệ thứ tư tên là Điểm thì thưa rằng: “Vào cuối mỗi mùa xuân, khi áo mỏng may xong, tôi cùng với năm sáu người trạc tuổi đôi mươi và sáu bảy đứa trẻ, đi tắm ở sông Nghi và đến hóng mát ở đàn Vũ Vu [đều ở nước Lỗ], rồi ca vịnh mà về”. Đức Khổng Tử nói rằng: “Ta khen cái chí của trò Điểm”. Câu này đã được dịch từ 4 chữ trong nguyên văn: Ngô dữ Điểm dã 吾與點也 , ý nói là thầy cũng có cùng một sở nguyện như trò Điểm.
 
-          Vì tâm đắc với triết lý nhân sinh trong câu trả lời sau cùng, và nhất là với 4 chữ Ngô dữ điểm dã của Đức Khổng Tử, cho nên, vua Tự Đức đã rút gọn điển tích ấy lại đến mức tối đa chỉ còn hai chữ Dữ dã và đã dùng để đặt tên cho khu vườn nghỉ mát của mình là Dữ Dã Viên.
 
-         Ngày nay, mặc dù khu vườn ngự ấy đã điêu tàn, nhưng hiện vẫn còn một số di tích kiến trúc như nền lầu Quan Phong, miếu thổ thần, và nhất là tấm bia đá khắc 3 chữ đại tự Dữ Dã Viên 與也園 đọc được rất rõ.
 
-         Trong bài văn ngự chế dài 1.413 chữ viết về quá trình thiết lập, quy mô kiến trúc và vẻ đẹp đặc sắc của khu vườn ngự này (với nhan đề Dữ Dã Viên ký), ở câu cuối cùng, vua Tự Đức lại còn rút gọn cái tên của khu vườn chỉ còn 2 chữ Dã Viên.
 
-         Trước năm 1868 dưới thời Tự Đức, cái cồn này giữa sông Hương vẫn chưa có tên. Khi xây dựng xong khu vườn ngự ở đó, nhà vua mới đặt cho nó cái tên Dã Viên với ý nghĩa mang tính triết lý và văn hóa sâu sắc như trong câu chuyện vừa kể. Từ đó, người Huế mới gọi tên cồn này là cồn Dã Viên.
 
-          Đến năm 1908, khi xây xong chiếc cầu hỏa xa nằm vắt qua cái cồn này, chính quyền đương thời đã đặt tên là cầu Dã Viên.
 
-         Trong hai năm 1955 và 1956, chính quyền tỉnh Thừa Thiên đã cho thi công xây dựng trên cồn một nhà máy nước để cung ứng đủ nước sạch cho thành phố Huế. Nó được đặt tên là nhà máy nước Dã Viên (cái tên này được sử dụng cho đến bây giờ).
 
-         Ngày nay, chúng ta vừa xây thêm một chiếc cầu hiện đại có giá trị về nhiều mặt chạy song song với cầu đường sắt Dã Viên để đáp ứng nhu cầu giao thông bằng đường bộ của dân chúng địa phương.Với những lý lẽ nêu trên, hi vọng mọi người đồng ý gọi nó là cầu đường bộ Dã Viên, vì cái tên Dã Viên gắn liền với lịch sử, địa lý và diện mạo kiến trúc của khu vực này.

 Xin đừng đặt sai tên cầu một lần nữa như trước đây, vì chúng ta đang sống ở một trung tâm văn hóa của cả nước.

Phan Thuận An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top