ClockThứ Năm, 05/07/2012 03:23

Ngó lên Văn Miếu

TTH - Giữa lắm bộn bề lo toan, bao thách thức khó khăn đối mặt, những bậc tiền nhân có công đầu trong hành trình mở cõi về phương Nam là các vị chúa Nguyễn vẫn chăm chút và luôn tìm cách tôn vinh sự học. Nhờ thế mà bên cạnh một Văn Miếu - Quốc tử giám ở Hà Nội, Huế vẫn tự hào về những công trình Văn Miếu còn lưu lại dấu vết đến hôm nay.

Nói thế cũng là để hiểu rằng, đất Thần kinh không chỉ có một Văn Miếu. Lưu lại trong sách sử là Văn Miếu đầu tiên của xứ Đàng Trong được xây dựng bởi một vị minh chúa là Nguyễn Phúc Chu vào năm 1691 tại làng Triều Sơn (Hương Sơ, TP Huế) và sau đó là các Văn Miếu ở làng Lương Quán (Thuỷ Biều, TP Huế) và ở làng Long Hồ (xã Long Hồ, thị xã Hương Trà). Còn lại tương đối nguyên vẹn là Văn Miếu Huế xây dựng dưới thời vua Gia Long và tiếp tục được chỉnh tu vào thời các vị vua Nhà Nguyễn tiếp theo, được xem là Văn Miếu của triều đại Nguyễn và cũng là của Quốc gia.

Cầu mong chữ nghĩa hanh thông. Ảnh: Anh Túc

Đã nhiều lần tôi dạo bước, kính viếng Văn Miếu Huế, còn gọi là Văn Thánh là cách viết tắt của Văn Thánh Miếu, ngôi miếu thờ đức Khổng Tử, người được hậu thế tôn vinh là “Vạn Thế sử biểu”, có nghĩa là “Người thầy của muôn đời”. Nếu di tích có giá trị bậc nhất còn lưu lại hậu thế hôm nay của Văn Miếu - Quốc Tử Giám là 82 tấm bia tiến sĩ mà tấm bia được dựng sớm nhất cách nay đã hơn 500 năm và muộn nhất cũng ngót nghét 250 năm, thì Văn Miếu còn đó hai dãy nhà bia tương đối vẹn nguyên 32 tấm bia, khắc ghi 293 vị tiến sĩ thi đỗ trong 39 kỳ thi Hội, thi Đình tổ chức dưới triều Nguyễn. Khi còn nguyên vẹn, Văn Miếu Huế có gần 20 công trình lớn, như: Văn Miếu (điện thờ), Đông vu, Tây vu, Thần trù, Thần khố, Hữu Văn Đường, nhà Thổ Công, Đại Thành Môn, Văn Miếu Môn, quan Đức Môn, Linh Tinh Môn, la thành, bến vua ngự...

Cách nay hai năm, một anh bạn cũ thời còn là học sinh phổ thông của tôi là Nguyễn Văn Hiệp, người làng Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, thành tài được phong hàm Giáo sư. Từ Hà Nội, bạn không quên đã gọi điện thoại và báo tin về buổi lễ tôn vinh được tổ chức ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tôi cũng được biết, người Hà Nội rất tự hào về Văn Miếu trên đất thủ đô. Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, đồng thời cũng là nơi tổ chức khen tặng cho học sinh xuất sắc và hội thơ hằng năm vào rằm tháng giêng. Đặc biệt, đây là nơi các sĩ tử đến “cầu may” trước khi bước vào các kỳ thi lớn.
 
Không còn là thủ đô nhưng Huế vẫn còn đó vị thế của một vùng đất học và điểm đến khám phá của bao người. Tháng bảy về, nhìn những đoàn sĩ tử các nơi nườm nượp về Huế ứng thí, tôi bỗng nhớ về Văn Miếu Huế. Không xa là chùa Thiên Mụ với cảnh vào ra tấp nập mà ngôi đền tôn vinh kẻ sĩ và sự học thông tuệ này ở Huế vẫn vắng vẻ lạ. Còn nữa, khác với Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở ngay trung tâm Thủ đô đông vui và vượng khí, vậy mà ngó lên trên ấy, đối mặt với dòng Hương là một Văn Miếu Huế, trầm mặc, u buồn và vắng vẻ, nằm ở một vùng ven đô thuộc phường Hương Long, TP Huế. Để rồi, đọng lại là một thoáng buồn và niềm buâng khâng khó tả khi nhớ lại câu ca một thuở: “Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng/ Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u”.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top