Thứ Năm, 15/12/2011 06:57
(GMT+7)
Nghĩ về tính khí của người Huế
TTH - Với những người có kinh nghiệm, một trong những điều tối kỵ là việc đi chợ sớm, bởi quan niệm “may xưa” của người Huế. Ngại nhất là thái độ im im lặng lặng của người bán. Sau vài chọn lựa và trả giá, nếu không bán được hàng, thế nào khách cũng nhận được vài cái lườm nguýt và đôi ba câu nặng, nhẹ.
Không chỉ đi chợ may xưa, nhiều du khách có dịp đến Huế lại nhận xét: Người Huế khó tính quá. Buôn bán, kinh doanh mà sao ít nụ cười, chẳng đon đả, mời chào, khiến người mua không khỏi ái ngại. Nghe xong, ngay cả người trong cuộc là dân thổ địa cũng không thể tìm ra được một lý do nào đó để biện minh.
Mới đây, trong một hội thảo về du lịch, một nhà nghiên cứu đã đem cái sự “chảnh” ấy của người Huế ra phân tích. Ông cho rằng, tiến trình lịch sử mấy trăm năm đế đô và từng là điểm hội tụ tinh hoa đất nước trong một thời gian dài đã khiến người Huế luôn có cảm giác được lịch sử khoác lên mình vầng hào quang của tầng cư dân kinh kỳ. Tuy nhiên, cũng chính điều kiện lịch sử của một kinh đô phong kiến buổi thoái trào đã khiến người Huế phải sống chông chênh giữa cái hư và thực, giữa danh phận kiêu sa và số phận không như mình muốn. Điều đó đã hình thành nên mẫu hình mà người ta thường gọi là “chất mệ” trong con người Huế, hình thành nên kiểu tính cách ẩn chứa mặc cảm tự tôn. Không chỉ giới quý tộc, “chất mệ” ấy đã lan tỏa, thấm sâu vào đại bộ phận các tầng lớp người dân, thông qua hệ thống phủ đệ, nơi các ông hoàng, bà chúa, rất gần với đám “bách tánh” để tương sinh.
Dưới góc độ văn hóa, rõ ràng, “chất mệ” là một thuộc tính đầy bản sắc của cư dân Huế. Tuy nhiên, chính loại tính cách mặc cảm, tự tôn, phòng thủ, ít cởi mở, giải bày của người Huế lại là một cản trở trong kinh doanh. Chảnh, hay nói một cách chính xác hơn, chính cái sự “chướng” trong tính khí thất thường của người Huế, bộc lộ qua ứng xử là một hạn chế mà người kinh doanh giỏi nào cũng phải cố khắc phục.
Tiểu Muội