Quan tâm đầu tư cho phát triển thế mạnh du lịch, năm 2011, Thừa Thiên Huế đã đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất, con người, tạo thế và lực cho ngành du lịch tăng trưởng. Với hơn 1.700.000 lượt khách đến Huế trong năm 2011, trong đó có trên 700.000 lượt khách quốc tế, tăng 10% so với cùng kỳ là một thành tựu đáng quan tâm.
Trong năm du lịch quốc gia, khi nhận định về thế mạnh du lịch, nhiều chuyên gia trong ngành thấy rằng tiềm năng và sự đầu tư cho du lịch của Thừa Thiên Huế vẫn còn bộn bề công việc cần phải làm tốt hơn, tư duy phát triển du lịch cần năng động, sáng tạo và có chiều sâu hơn. Về hạ tầng, nếp văn hóa đô thị, môi trường xã hội... Thừa Thiên Huế còn nhiều phần việc phải coi trọng, mới mong phát triển tốt thế mạnh du lịch. Bởi du lịch được tạo thành như một dây chuyền mang tính tương tác, hỗ trợ thúc đẩy nhau phát triển. Giao thông vận chuyển, thương mại, dịch vụ tổng hợp, cảnh quan thiên nhiên, môi trường xã hội, văn hóa ứng xử, nếp sống đô thị... tất cả phải có sự chuyển động đồng bộ mới tạo được dấu ấn du lịch.
Đến Huế, nhiều du khách nhận xét, Huế có thế mạnh về du lịch văn hóa, nên đầu tư phát triển loại hình này và cần quảng bá rộng rãi cho du khách về tour du lịch này. Du khách cho rằng ngày nay, bên cạnh những loại hình du lịch như du lịch mạo hiểm, du lịch giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... thì sức hấp dẫn của loại hình du lịch văn hóa đã thu hút sự chú ý của khách quốc tế. Du lịch văn hóa là những sản phẩm văn hóa, những lễ hội truyền thống của dân tộc kể cả những phong tục, tín ngưỡng của bản địa. Có thể nói, Huế là nơi có thế mạnh này. Nếu được đầu tư, khai thác tốt sẽ đáp ứng nhu cầu của đối tượng du khách có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa, phong tục và tập quán của địa phương.
Thực tế cho thấy, con đường di sản miền Trung với những lễ hội dân gian kết hợp với tham quan những di sản văn hóa được UNESCO công nhận là những hoạt động của du lịch văn hóa, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Festival Huế được xem là hoạt động du lịch văn hóa đặc sắc không chỉ của Thừa Thiên Huế mà là tải sản của quốc gia. Qua các kỳ Festival Huế, du khách rất ấn tượng với những lễ hội văn hóa, âm sắc văn hóa đặc sắc của vùng đất như Nhã nhạc cung đình Huế, lễ tế đàn Nam Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ hội Điện Hòn Chén, lễ hội Đền Huyền Trân, đêm Hoàng Cung...
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, người tâm huyết với Huế đánh giá cao về thành phố này. Trong cảm nhận về Huế, ông xác lập Huế là thành phố hiếm hoi, đứng trên sông và hướng ra biển lại dựa vào núi non. Những khoảng đệm và sự gắn nối 3 thành tố giang sơn trời đất ấy chính là rừng, đồi, cánh đồng, đầm vạc. Tất thảy trong một sự chuyển tiếp uyển chuyển, làm cho con người ngỡ ngàng. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhiều lần đến Huế, nghiên cứu Huế, đóng góp nhiều ý tưởng tuyệt vời cho Huế trên đà phát triển. Ông cho rằng; Huế có một vốn liếng lớn lao và phong phú góp phần để Huế được coi là đô thị - di sản. Đó là văn hóa phi vật thể, văn hóa đô thị. Tài nguyên đó không những thuộc về quá khứ, mà còn là một thực thể sống động, đang tồn tại trong cộng đồng và trong lòng đô thị có hình hài tương ứng. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kinh từng viết: “Không một thành thị nào ở ta mà văn hóa dân tộc, nhất là văn hóa đô thị, lại còn bảo lưu đầy đủ như ở Huế và bền chắc như Huế. Với di sản đầy ắp những cái riêng này, vạch ra con đường nào đây để Huế trở nên hiện đại mà không đánh mất mình? Huế là đô thị phi tập trung, có khuôn mặt thôn dã. Nó xa lạ với những khái niệm chính quyền của đô thị quốc tế như city, quảng trường, đại lộ.
Triển khai những ý tưởng của những chuyên gia nghiên cứu sâu về Huế, có cái nhìn toàn diện về thành phố mộng mơ này để phát triển trong sự tiếp nối, chắc chắn Huế sẽ đẹp hơn, nên thơ và đặc sắc hơn. Và, Huế sẽ là một điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách thập phương.
Trong hướng đi phấn đấu đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó Huế được xem là đô thị hạt nhân thì việc đầu tư vật chất, tinh thần để Huế phát triển trong sự tiếp nối giữa cái vốn có và cái mới không làm mất hoặc phá vỡ cái quá khứ dày công tạo dựng là công việc cần hoạch định, tính toán kỹ.
Kinh nghiệm của các nước đang phát triển, nền tảng phát triển du lịch thường không dựa vào những đầu tư lớn, hoành tráng để tạo ra những điểm du lịch cao cấp, mà thường dựa vào nguồn du lịch tự nhiên, cái nền có sẵn và sự đa dạng về bản sắc bản địa vốn đã giàu có. Thừa Thiên Huế giàu có về điều kiện này. Vấn đề là làm gì, ai làm, làm ra sao? Trước vấn đề đặt ra như vậy, Thừa Thiên Huế cần tổ chức nhiều hội thảo để tổng hợp ý tưởng, để có định hướng đúng cho phát triển du lịch Thừa Thiên Huế mang màu sắc riêng để du khách thập phương không thể không đến Huế.
Chiến Hữu