ClockThứ Năm, 06/09/2012 06:55

Mưa thu và nấm tràm

TTH - Bất chợt bắt gặp trong vô số những rá rổ bày bán le te bên lề đường cạnh chân cầu Bến Ngự chiều nay mấy mớ nấm tràm. Những cây nấm thân thương và quen thuộc, có cây đã nên hình dạng, tai màu tím nhạt, tròn quay và béo múp trông rất thích mắt; có cây tím thâm, mới nhú lại búp búp tròn tròn xinh xắn như đôi tay con trẻ… Cái mớ nấm tràm, nhìn thôi đã thèm và nhớ sao bữa cơm chiều năm nào mẹ nấu. Thì ra cả tuần nay trời Huế đã vào thu. Nắng gắt bỗng như dịu lại khi những trận mưa ập xuống lúc ban chiều. Rồi đêm nữa, những đêm mưa kéo dài, lành lạnh và khuya về trời như trở gió, chiếc mền ngủ hờ hững phía dưới chân giường nửa đêm kéo vội. Nhớ rồi, xưa ở quê tầm này chập tối nghe mẹ bảo, mưa nắng “như ri” tha hồ mà ăn nấm thì y chang bữa cơm chiều hôm sau đã có nồi canh nấm tràm.

Làng Dạ Lê ven đô của tôi “trước đồng, sau rẫy” thiệt lạ với mùa nào, thức nấy. Thì đây, vào lúc mưa thu này, dọc theo các sườn đồi hay những con suối, trên những lớp lá mục dưới những cây tràm, cây bổi hay bạch hà (bạch đàn), chỉ sau một trận mưa rồi nắng lại cất lên là khi mà bao thứ nấm bạc hà, nấm mối, nấm tràm…ùn ùn mọc lên. Nhiều nhất và ngon nhất vẫn là nấm tràm. Những bào tử nấm như đợi sẵn nhanh chóng xuyên qua những lớp lá mục để thành hình những cây nấm. Ngày đầu li ti. Ngày tiếp theo đã to tròn. Thêm vài ngày nữa, không được hái, cây nấm sẽ héo rủ và xin đợi đó ngày này năm sau. Cái chu kỳ sinh trưởng ngắn ngủi kia khiến cho mùa đi hái nấm của người dân Dạ Lê, Thanh Thuỷ hay Thần Phù, Phù Bài ở phía nam thành Huế càng thêm khẩn trương. Hái mớ nấm tràm cho bữa ăn chiều, đem ra chợ làng hay lên chợ phố kiếm thêm dăm bảy chục ngàn, để những kẻ từ quê lên phố như tôi chiều nay lại như bắt gặp mình một thời lam lũ ấu thơ.

Nấm tràm lên phố. Ảnh: Internet

Bây giờ thì tôi đã biết, từ cây nấm tràm có nhiều ở làng quê mình, người Huế sành ăn đã chế ra bao loại thức ăn ngon bổ. Đó là nồi canh nấm tràm nấu với rau tập tàng (10 loại rau vườn) cùng tôm bóc vỏ hay thịt ba chỉ. Đó là loại cháo nấm tràm nấu với tôm hay các loại cá tươi. Đó cũng món nấm tràm xào thịt, xào tôm mà cánh dân nhậu có thể làm mồi lai rai cho những chiều đổ mưa. Còn tôi, mấy chục năm rồi vẫn không quên nồi canh nấm tràm nấu với rau xanh lẩn vài miếng cá ngày xưa của mẹ. Buổi tối cả nhà hầu như chỉ ăn độc món ngon kia và để rồi khi bụng đã căng đầy lại sợ say nấm. Hàng xóm có người nôn oẹ mật vàng, mật xanh và suýt chết cũng bởi vì say nấm, do ăn phải loại nấm độc lẩn vào trong đó. Nói thế cũng để thanh minh cho nấm tràm. Bởi theo quan điểm đông y và sự chứng thực của bao người, nấm tràm rất tốt vì chữa mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng làm bổ nội tạng vì chất dầu tràm ở trong nó.

Tôi như tìm lại ngày xưa trong nồi cháo nấm tràm trưa nay vợ nấu. Cái cảm giác hơi nhơn nhớt nhưng lại rất giòn và béo, có vị đắng nhân nhẫn pha chút thanh thanh của nấm tràm; ăn xong uống nước thấy the the đầu lưỡi, nhưng chỉ lát sau lại cảm thấy vị ngọt hậu dễ chịu. Vị đắng thật lạ không lẩn vào đâu được của nấm tràm đã khiến ngày xưa con trẻ, tôi sợ nhưng lại thèm; thèm được nếm thử, thèm được ăn, ăn ít rồi lại ăn nhiều. Nghĩ, cái vị đắng nấm tràm cũng như vị cay của đọi cơm hến gợi nhớ và làm nên một hương vị thương yêu của xứ Huế quê mình, làm bồi hồi và quay quắt bao bước chân ai.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top