Không như nhiều thành phố lớn của cả nước, các DN trên đất Cố đô chủ yếu thuộc khu vực vừa và nhỏ. Đây chính là lực lượng đóng góp tích cực và quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thống kê, đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 3.846 DN với tổng số vốn đăng ký hơn 17.061 tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân chưa đến 5,4 tỷ đồng/DN. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ra đời và phát triển, từ năm 2006 UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển DNVVN giai đoạn 2006 - 2010.
Năm 2010, chỉ riêng khu vực kinh tế dân doanh đã đóng góp khoảng 53,2% trong GDP và đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 200 triệu USD, chiếm 82% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh và giải quyết việc làm thêm cho trên 22.000 lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, các DN của Thừa Thiên Huế tuy khá đông về số lượng, nhưng phần lớn có qui mô nhỏ, năng lực hạn chế do thiếu vốn, trình độ quản lý, công nghệ thiết bị, tính năng động và khả năng liên kết...
Mục tiêu phát triển DNVVN giai đoạn 2011-2015 của tỉnh là đẩy nhanh tốc độ phát triển DN và nâng cao năng lực cạnh tranh của DNVVN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các DN đóng góp ngày càng cao và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, mục tiêu cụ thể trong 5 năm tới của tỉnh là tạo điều kiện thuận lợi để có thêm 3.000 DN mới ra đời (bình quân mỗi năm có thêm 600 DN mới, tăng 100 DN/năm so với giai đoạn 2006-2011), đầu tư của khu vực DNVVN chiếm 17,5% tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp 54,1% GDP và tạo thêm khoảng 25.000 chỗ làm mới...
Cùng với mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra 6 nhóm giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đó là: Thực hiện chính sách hỗ trợ DVVVN tiếp cận nguồn cung tài chính thuận lợi hơn. Có các chính sách tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, như minh bạch qui hoạch, qui trình, thủ tục tiếp cận đất đai và ưu đãi tài chính về thuê đất, sử dụng đất... Hỗ trợ cho việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật thông qua việc xây dựng thương hiệu, đăng ký, bảo hộ, cấp chứng chỉ chất lượng sản phẩm, các chứng chỉ về môi trường, qui trình sản xuất; về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ... Hỗ trợ về tiếp cận thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh... Trợ giúp phát triển nguồn nhân lực có tay nghề kể cả chủ DN và người lao động. Kiện toàn các tổ chức trợ giúp phát triển DNVVN.
Hy vọng với thành tựu đã đạt được trong những năm qua và với những mục tiêu, giải pháp tích cực của tỉnh sẽ tạo môi trường thuận lợi nhằm tiếp tục mở đường cho các DN ra đời và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển chung trên hành trình xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.
Hoàng Thành