ClockThứ Năm, 06/06/2013 05:46

Luân chuyển cán bộ

TTH - Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Trong một bài báo gần đây, chúng tôi đã đặt vấn đề về công tác đánh giá cán bộ. Bởi trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng đầu tiên. Đánh giá cán bộ đúng sẽ bố trí, quy hoạch, đào tạo cán bộ một cách khoa học; xây dựng được nguồn nhân lực cho hiện tại và cả trong tương lai. Đây là công việc vừa cấp bách vừa mang tính lâu dài, đòi hỏi các cấp ủy Đảng, người đứng đầu trong từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải đặc biệt quan tâm.

Ở bài báo này, chúng tôi nêu vấn đề luân chuyển cán bộ. Điều dễ hiểu là công tác luân chuyển cán bộ là khâu đột phá để thúc đẩy việc đánh giá cán bộ, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cho nên luân chuyển cán bộ chỉ có thể là khâu đột phá khi nó được kết hợp thật đồng bộ với các khâu khác của công tác cán bộ. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần được luân chuyển để đảm bảo phù hợp với sở trường của cán bộ, đồng thời nhằm thử thách, xem xét năng lực, phẩm chất của họ qua quá trình công tác ở cơ quan, đơn vị nơi cán bộ được luân chuyển. Mục tiêu là xem xét năng lực quản lý, điều hành, khả năng của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ được giao. Luân chuyển cán bộ là tạo điều kiện cho cán bộ đó rèn luyện trong thực tiễn, cọ xát với công việc, cơ sở, để bộc lộ năng lực, khắc phục tình trạng khép kín trong từng ngành, từng tổ chức, từng địa phương.

Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ra đời cách đây trên 10 năm chứng minh đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được đông đảo cán bộ và nhân dân đồng tình. Tình hình thực tiễn cho thấy công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đã góp phần thúc đẩy công tác quy hoạch cán bộ, khắc phục tình trạng khép kín, trì trệ, tạo bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ được luân chuyển.

Để làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, qua tham khảo tư duy, ý kiến của nhiều chuyên gia về công tác cán bộ, thấy rằng cần chú ý nghiên cứu những vấn đề mang tính cơ bản. Trước hết là cần nhận thức sâu sắc Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị; quán triệt rộng rãi mục đích, yêu cầu, vai trò và ý nghĩa của công tác luân chuyển cán bộ; xác định rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với công tác luân chuyển cán bộ. Bước tiếp theo là phải xây dựng kế hoạch luân chuyển khoa học, hợp lý từ khâu rà soát, lập danh sách cán bộ diện luân chuyển, nơi luân chuyển; phối hợp làm việc với cấp ủy, lãnh đạo nơi đi, nơi đến của diện cán bộ luân chuyển; chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển... Thực hiện tốt quy trình, kế hoạch luân chuyển cán bộ sẽ tạo sức bật cho công tác luân chuyển cán bộ, phát huy được trí tuệ của tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân. Làm được như vậy sẽ giúp cho công tác luân chuyển cán bộ đi vào nề nếp, trở thành công việc thường xuyên về công tác cán bộ. Điều quan trọng là làm tốt công tác tư tưởng với cán bộ diện luân chuyển và cấp ủy, lãnh đạo nơi cán bộ chuyển đi, chuyển đến. Đây là việc làm thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo đối với cán bộ diện luân chuyển vừa là việc xác định rõ trách nhiệm của người cán bộ diện luân chuyển hiểu rõ trách nhiệm của mình. Quan trọng hơn là tính toán thật kỹ để luân chuyển cán bộ đúng vị trí, đúng năng lực, sở trường của cán bộ. Thực tế cho thấy, nếu luân chuyển cán bộ không đúng chỗ, đúng việc thì kế hoạch luân chuyển cán bộ sẽ đổ vỡ, nhiệm vụ chính trị không hoàn thành, cán bộ được luân chuyển không phát huy, phát triển lên được.

Hằng năm cần kiểm tra, đánh giá cán bộ và công tác luân chuyển, kịp thời nắm bắt những nảy sinh trong đội ngũ cán bộ và công tác luân chuyển cán bộ để chủ động khắc phục hạn chế, khuyết điểm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, trong công tác cán bộ phải mạnh dạn cất nhắc cán bộ và thường xuyên luân chuyển cán bộ, chống bệnh ích kỷ, địa phương, kéo bè, chia rẽ phái này phái kia, phải kết thành một khối không phân biệt, không kèn cựa và phải giúp đỡ nhau thì việc mới chạy. Bác Hồ thường căn dặn “Công việc thành hay bại đều từ cán bộ mà ra”.

Thực hiện Nghị quyết 11 NQ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai thực hiện khá tốt, hiệu quả thiết thực, mang tính đột phá mạnh mẽ như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Long An... Ở tỉnh ta, công tác luân chuyển cán bộ mới ở bước đầu, diện cán bộ luân chuyển chưa nhiều, hiệu quả của công tác luân chuyển cán bộ chưa rõ nét, chưa mang tính đột phá. Một số cán bộ được luân chuyển hầu như chưa đúng vị trí, chưa phù hợp với năng lực, sở trường nên chưa phát huy và phát triển, do vậy vừa khó cho cá nhân cán bộ được luân chuyển vừa khó cho cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận cán bộ.

Công tác luân chuyển cán bộ đòi hỏi phải có tầm và có tâm. Có tầm là phải rộng tầm nhìn, tầm hiểu biết. Luân chuyển cán bộ vì mục đích thực sự là tăng cường sức mạnh cho địa phương, cơ quan, đơn vị, đưa cán bộ vào trạng thái động, chứ không phải cấp cho cán bộ một cái bằng “có về cơ sở công tác”.

Có tầm là người đứng đầu, cấp ủy, tập thể quyết định luân chuyển cán bộ phải tự hào, thấy thỏa mãn trong sự trưởng thành của cán bộ. Cái tâm là sự trong sáng của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo khi quyết định luân chuyển cán bộ với động cơ phát triển, phát triển cá nhân cán bộ và vì sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị...

Trong tiến trình xây dựng tỉnh nhà trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế đang rất cần nhiều cán bộ có năng lực, phẩm chất, thủ lĩnh ở một số ngành trọng yếu nhằm bật dậy tiềm năng, thế mạnh được xem là những mũi nhọn của tỉnh nhà để phát huy mạnh mẽ nền kinh tế - xã hội lên nấc thang cao hơn. Từ đó, thấy rằng công tác đánh giá cán bộ, bố trí, luân chuyển cán bộ là công việc cấp bách của Thừa Thiên Huế.

Chiến Hữu-Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top