ClockThứ Năm, 23/01/2014 04:39

Loại trừ tệ nạn hối lộ

TTH - Nói về tệ nạn hối lộ hiện nay ai cũng hiểu được rằng, hình thức hối lộ rất phong phú, đa dạng như: quà cáp biếu xén với giá trị lớn trong ngày Tết cổ truyền, mừng sinh nhật, đám cưới, khánh thành nhà mới; phong bì chứa đựng tiền mặt (khi số tiền hối lộ đến cả triệu đô-la Mỹ (USD) thì người ta phải đựng trong va-ly, túi kéo); tiền hoa hồng bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị công trình, dự án…

Người đưa hối lộ để khỏi bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam; hối lộ để làm sai lệch hồ sơ nhằm giảm nhẹ tội phạm hình sự; hối lộ để tránh sự trừng phạt của pháp luật hoặc nhận mức án thấp nhất; hối lộ những người có quyền hạn đang làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… để có những quyết định theo hướng có lợi cho người đưa hối lộ. Hối lộ để được phê duyệt nhận thầu các công trình, các dự án…Hối lộ để được cấp vốn đầu tư. Hối lộ để vay vốn tín dụng ngân hàng với số tiền lớn một cách dễ dàng. Hối lộ để được bồi thường bảo hiểm tai nạn trái với quy định. Hối lộ khi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc được hóa giá nhà, đất công. Hối lộ để được tuyển dụng vào công chức, viên chức hoặc trúng tuyển trong các kỳ thi tuyển công chức. Hối lộ để được cất nhắc, đề bạt lên một chức vụ cao có nhiều bổng lộc hơn. Hối lộ để được thuyên chuyển công tác theo nguyện vọng. Hối lộ để đi du học có học bổng hoặc xin cho con được nhận vào học trong các trường chất lượng cao. Hối lộ để được ưu ái khi khám chữa bệnh. Hối lộ để được nhập hộ khẩu sai đối tượng v.v…

Người đưa hối lộ tính toán rằng, chỉ cần bỏ ra một số tiền ban đầu để rồi được hưởng lợi ích lâu dài lớn hơn nhiều lần số tiền đã hối lộ. Còn người nhận hối lộ thì chỉ cần một chữ ký, thậm chí một lời nói, họ cũng có thể được một khoản thu nhập lớn. Hành vi đưa, nhận hối lộ chỉ có hai người biết, vả lại cả hai người đều có lợi ích “được ta được ả, được cả đôi bên”, cho nên nó được bưng bít rất kín. Nhiều người cho rằng, trong các thủ đoạn tham nhũng, thì hối lộ, nhất là hối lộ trong công tác tổ chức cán bộ, là hành vi khó phát hiện và xử lý nhất.

Tệ nạn hối lộ xảy ra phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, nhưng số người bị phát hiện còn quá ít. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri thành phố Hồ Chí Minh đã nói, trong bộ máy của chúng ta không chỉ có một con sâu mà cả một bầy sâu. Điều đó đang là nỗi nhức nhối của toàn xã hội.

Loại trừ tệ nạn hối lộ là một cuộc đấu tranh mà sự gian nan không kém gì chiến đấu trên mặt trận trực diện với kẻ thù, thậm chí còn đòi hỏi tính mưu trí cao hơn gấp nhiều lần.

Để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới loại trừ tệ nạn hối lộ, cần xây dựng Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội thật sự trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên, thường xuyên làm tốt công tác tự phê bình và phê bình; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy Đảng, Nhà nước, các đoàn thể… những người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức; thực hiện cải cách hành chánh; xây dựng, ban hành đủ các văn bản quy phạm mới, sửa đổi các luật không còn phù hợp; thực hiện nghiêm chế độ quản lý tiền mặt; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xóa bỏ cơ chế “xin cho”; tiền lương phải bảo đảm đời sống của cán bộ, công chức và gia đình họ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản theo Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị. Bởi lẽ, kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, tệ nạn hối lộ nói riêng. Thật sự dựa vào quần chúng để đấu tranh chống tệ nạn hối lộ. Các cấp ủy Đảng thực hiện tốt, có nền nếp, không làm chiếu lệ, hình thức việc tự phê bình của các tổ chức Đảng trước quần chúng và mở rộng chế độ quần chúng phê bình các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò xung kích của báo chí trong phòng, chống tệ nạn hối lộ. Sự dũng cảm của báo chí sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả nghiệt ngã để chống lại cái xấu, bảo vệ cái tốt, đã tạo nên uy tín của báo chí. Thực tiễn đấu tranh chống tham nhũng của báo chí những năm qua đã chứng minh sức mạnh của loại vũ khí đó. Cuối cùng là, phát huy vai trò của chi bộ cơ sở, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ đạt cho được tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu thì công tác phòng, chống tệ nạn hối lộ được tiến hành ở chi bộ nhất định sẽ có hiệu quả như mong muốn.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ và đột xuất, giữ vững nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân; kịp thời xử lý nghiêm minh và công khai kết quả giải quyết các trường hợp có dư luận cán bộ và nhân dân về tệ nạn hối lộ. Xử lý nghiêm những trường hợp hối lộ đã được kết luận, lấy đó làm bài học giáo dục cán bộ, đảng viên và mọi người. Có chính sách khen thưởng những người mạnh dạn tố giác hối lộ, giảm nhẹ tội hay miễn truy tố trách nhiệm hình sự đối với những người phải đưa hối lộ, đã mạnh dạn tố giác.

Loại trừ được tệ nạn hối lộ là xóa đi một trở lực lớn trên con đường phát triển nhanh của đất nước, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng tầm là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định.

Chiến Hữu - Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top