ClockThứ Năm, 15/11/2012 11:39

Lo xa kiểu xen ghép

TTH - Về nông thôn gần đây thấy nổi lên nhiều mô hình về nuôi trồng xen ghép. Ví như xen ghép cá - lúa ở Hương Thuỷ, cá - tôm hay tôm - cá - cua ở Phú Mỹ (Phú Vang). Xã Hương Phong (Hương Trà) trồng lúa nước mặn kết hợp với nuôi cá ở các ô bàu úng ngập quanh năm. Lại nữa như ở Quảng An (Quảng Điền) ghép tôm - cá - cua, rồi cộng thêm luôn cả rong cau, vốn là đặc sản địa phương.

Trên cùng một diện tích mặt nước hay đất đai nuôi trồng nhiều loại cây con khác nhau để sinh lợi là chuyện xưa nay không lạ trong sản xuất của người dân nước ta, đặc biệt là ở Thừa Thiên Huế. Vườn Huế là một ví dụ, đủ các loại cây trồng theo kiểu mùa nào thức nấy, một vòng dạo quanh vườn là có thể chuẩn bị được cả một bữa ăn gia đình. Tuy vậy, cũng đã có không ít lời chê về sự manh mún, mang tính tự cung tự cấp, khó phát triển được thành hàng hoá của mô hình “vườn tạp” kia. Tôi lại nghĩ đến một khía cạnh khác nữa của vấn đề, đó là sự lo xa nhiều khi thái quá của người Huế mình. Mà không lo xa cũng chẳng được khi mà điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt nhiễu nhương theo kiểu “trời cho chộ mà chẳng cho ăn” cứ thường xuyên xảy ra.

Không còn nghi ngờ, nuôi tôm đặc biệt ở vùng ven phá mấy chục năm nay trở thành cứu cánh của bao người với sự xuất hiện của không ít những “triệu phú” rồi “tỷ phú” tôm nuôi. Nhưng rồi, cũng vì nuôi tôm mà bao gia đình khuynh gia bại sản khi mà nguồn vốn đầu tư quá lớn trong lúc giá cả trồi trụt cộng thêm bao rủi ro về dịch bệnh, mưa bão. Vậy nên loay hoay một thời gian, người nông dân nuôi trồng thuỷ sản đã bắt đầu tìm đến công thức an toàn bằng sự kết hợp nuôi thêm các loại cá, cua. Con tôm chết đã có thu nhập từ cua, cá bù vào. Vậy là đỡ lo chuyện trắng tay “mất cả chì lẫn chài” trong đầu tư sản xuất, đặc biệt khi mà chi phí đầu vào rất lớn, nguồn vốn chủ yếu là vay mượn, dựa nhiều vào kênh vay vốn ngân hàng.

Không chỉ là giải pháp an toàn, trong thực tế các mô hình xen canh, xen ghép còn là một bài toán đầu tư tối ưu. Việc lựa chọn xen ghép trồng lúa chịu mặn địa phương với nuôi cá nước ngọt mà chủ yếu là cá rô phi đơn tính là một cách khai thác tốt nhất tiềm năng của vùng địa hình bàu trũng quanh năm ngập nước tại Hương Phong. Cây lúa và con cá gộp lại, nguồn lợi cũng theo đó mà tăng lên gấp đôi trong bối cảnh khó có thể đầu tư để thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng ở những vũng lầy trũng này. Cũng chính người nông dân Hương Phong khi áp dụng mô hình nuôi tôm sú xen ghép với cua và cá kình (hay cá đối) đã nhìn thấy sự tương trợ và bổ sung cho nhau giúp hạn chế được chi phí cho người nuôi và tạo ra môi trường nuôi tốt. Tỷ lệ sống của cá và tôm cao, ít xảy ra dịch bệnh. Cá kình hay cá đối vừa có thể sống trong môi trường bị ô nhiễm, vừa có thể tái tạo lại môi trường, nhờ ăn được các chất mùn bã hữu cơ trong ao.

Vậy nên, có thể xem “lo xa kiểu xen ghép” hiện nay trong nuôi trồng thuỷ sản là kiểu lo xa biết xuất phát từ thực tế, có những tính toán dựa trên cơ sở khoa học, thích ứng với với những thay đổi môi trường, tạo nên sự phát triển kinh tế mang tính bền vững. Đó là một kiểu lo xa cần được nhân rộng và cổ suý...

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top