Điển hình như làng Mai Dương (Quảng Phước-Quảng Điền) ven phá Tam Giang. Từ ngày xây dựng qui ước bảo vệ môi trường, người dân ở đây dần dần từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi. Tất cả rác sinh hoạt được các hộ gia đình tự giác gom vào túi để tập kết đến điểm xử lý. Để mô hình bền vững, mỗi năm người dân Mai Dương tự nguyện đóng góp 12 kg thóc, gây dựng quỹ để duy trì hoạt động. Mỗi quý, làng huy động toàn bộ nhân dân tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm một lần. Ngoài tuyên truyền, vận động và kêu gọi tinh thần trách nhiệm, qui ước văn hóa của làng cũng qui định cụ thể mức xử phạt rõ ràng đối với những ai không chấp hành.
Ngoài Mai Dương, xã Phú Hải (huyện Phú Vang) cũng là điểm sáng trong phong trào bảo vệ môi trường. Mỗi tháng, mỗi hộ dân tự nguyện đóng góp 15.000đồng để tổ chức các tổ thu gom và xử lý rác thải. Xã còn vận động nhân dân trồng nhiều cây xanh; không xả nước thải chế biến thủy sản ra môi trường; áp dụng mô hình chuồng trại chăn nuôi gia súc có hầm chứa, nắp đậy... Từ một điểm nóng về ô nhiễm môi trường, đến nay, cảnh quan của xã biển này đã xanh, sạch hơn nhiều. Đặc biệt, các hộ dân sinh sống trên các con đò ở Phú Hải cũng được trang bị các giỏ rác di động. Rác thải được gom vào giỏ, đưa vào bờ xử lý chứ không thả thẳng xuống đầm phá gây ô nhiễm như trước. Đây cũng là mô hình được triển khai tại phường Phú Bình (T.P Huế), nơi có đông dân cư sinh sống trên các con đò, góp phần bảo vệ môi trường cho sông Hương.
Nạn rác thải sinh hoạt tràn lan gây ô nhiễm môi trường đang nhức nhối từ thành thị đến nông thôn trong khi các giải pháp xử lý hiện nay đang thiếu đồng bộ và quyết liệt. Ở phương diện phong trào xây dựng làng, thôn, xã văn hóa, dù hiện nay, có trên 90% số làng, xã đã đăng ký tham gia nhưng số làng, xã có mô hình nói không với rác lại rất hiếm hoi. Đây là vấn đề các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành văn hóa cần đặc biệt quan tâm như kịp thời phát hiện, tuyên dương khuyến khích nhân rộng mô hình. Thậm chí, qúa trình đăng ký và công nhận làng, thôn, bản văn hóa, nếu nơi nào chưa làm tốt công tác vệ sinh môi trường thì chưa công nhận hay rút danh hiệu đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Không đòi hỏi nguồn kinh phí đầu tư lớn, vấn đề quan trọng nhất để có những mô hình bảo vệ môi trường hay là kiên trì vận động, làm thay đổi nhận thức, thói quen xấu của người dân. Đặc biệt, hiệu qủa thiết thực và lâu dài của mô hình “nhà không rác, đường phố không rác, phường, xã không rác” còn phụ thuộc không nhỏ vào sự cương quyết, mềm dẻo và kiên trì của chính quyền địa phương.
Kim Oanh