ClockThứ Năm, 17/04/2014 05:22

Làm ăn lớn cần nghĩ khác và làm khác

TTH - Những ngày qua, tràn ngập thông tin trên báo, dưa hấu bà con nông dân trồng ra chỉ bán được 800 đồng một kg. Báo Vietnamnet giật tít “Cái chết được báo trước” qua cuộc phỏng vấn PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN - PTNT), nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Khải đó là “hệ quả của một nền sản xuất hàng hóa nhỏ, tự phát, không có tổ chức”. Tổ chức mà ông Phát nói ở đây là tổ chức cả sản xuất, chế biến và tiêu thụ ở một tầm khái quát hơn là các sản phẩm nông nghiệp. Theo ông Khải, “một chuyện phổ biến rất không bình thường là thương lái chỉ là khâu trung gian, không chế biến sâu, không nắm thị trường nhưng có quyền lực lớn trong lưu thông và chi phối nhiều chuyện”.

Nói chuyện thương lái tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm (nông nghiệp nói chung) không lạ gì đối với Thừa Thiên Huế chúng ta. Một cân tôm, ngư dân lam lũ bắt được đến tay người tiêu dùng đội lên 30%-40%; một quả trứng gà trang trại làm ra bán có khi chỉ 1.800 -2.000 đồng đến tay người tiêu dùng có khi đến 6.000 đồng, đội lên đến 200% - một con số khủng khiếp. Sự đội lên quá cao nhưng nếu là dịch vụ chế biến cao cấp thì không nói làm gì, ở đây sự đội giá lên cao lại rất thô sơ ở quá nhiều tầng nấc phân phối. Như ví dụ trứng gà nói trên, vì sao có chuyện như vậy? Là do cách sản xuất cò con nhỏ lẻ, do không chuẩn bị một hệ thống tiêu thụ bài bản và một phần do đôi khi chất lượng không đảm bảo những yêu cầu cao để cung ứng cho các chuỗi siêu thị. Nói tóm lại là sản xuất tách rời với tiêu thụ. Đây chính là con đường để thương lái quyết định giá mua.

Trở lại với Thừa Thiên Huế, cụ thể là huyện Phong Điền. Vài năm nay, có một điều rất đáng mừng là người dân ở vùng Ngũ Điền đã khai thác vùng cát để trồng rau, rất hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, ở xã Điền Lộc hiện có 40 ha rau xanh, trong đó có 10 ha được trồng trên vùng cát. Trồng rau xanh trên cát là mô hình mới đem lại hiệu quả rất cao. Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 150 -170 triệu đồng một năm. Có nhiều diện tích lớn thu được 300 triệu một năm. Đây là điều không khó đối với những người chuyên trồng rau đã có kinh nghiệm, nhưng chưa hẳn cứ trồng rau là cho thu nhập cao. Ở vùng cát của 5 xã vùng Ngũ Điền có diện tích đến 200 ha có thể trồng rau. Nên nhớ đây là vùng đất không tốt, khí hậu tương đối khắc nghiệt, thường xuyên thiếu nước nên không phải tất cả ai trồng rau cũng đều thành công. Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là quy luật cung cầu hàng hóa. Khi chỉ một ít hộ trồng rau, lượng cung ít thì rau được giá. Vì được giá nên nhiều người trồng rau, nghĩa là cung nhiều lên. Cũng có thể đến một lúc nào đó thị trường sẽ bão hòa và giá sẽ đi xuống. Cũng nên biết rằng, thị trường tiêu thụ chúng ta chưa chuẩn bị kỹ, hệ thống phân phối chủ yếu qua thương lái như đã nêu, nên rất có thể cung chưa tăng nhiều nhưng giá đã xuống do tư thương làm giá.

Để phát triển hết 200 ha ở vùng Ngũ Điền, nghĩa là tăng hơn 3 lần so với hiện tại về diện tích. Có mấy vấn đề cần lưu ý.

Đầu tiên, phải khảo sát và thăm dò kỹ thị trường, xem thử thị trường cần bao nhiêu, loại hàng hóa gì. Tránh tình trạng rau cải được giá thì tập trung trồng cải, hành được giá thì tập trung trồng hành. Chúng ta đã có rất nhiều bài học cho vấn đề này. Từ thủy sản đến nông nghiệp, hàng năm ứng dụng rất nhiều mô hình mới, nhưng kết quả là chỉ thành công ở dạng mô hình chứ không thể mở rộng được. Khi ba ba được giá, nhiều người tập trung nuôi ba ba, vậy là ngay lập tức ba ba hạ giá, nhiều bà con lỗ, bỏ nghề. Nuôi ếch cũng vậy và nhiều vật nuôi, cây trồng khác cũng vậy.

Chi phí sản xuất cũng là một yếu tố cần tính đến. Nơi nào trồng được nơi nào không, hoặc trồng được nhưng chí phí cao không cho lại lợi nhuận. Bài học thất bại từ chương trình mía đường của tỉnh trước đây đã có, để đủ diện tích nên ở đầu cũng trồng mía, không kể đất cát hay đất đồi, vùng nguyên liệu ở xa hay gần. Và kết quả là chương trình thất bại như đã từng chứng kiến.

Khi sản xuất nhỏ lẻ khi không nói làm gì, nhưng mỗi khi sản xuất lớn thì rất cần những ứng dụng khoa học kỹ thuật một cách bài bản để tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm. Lâu nay bà con chúng ta chỉ hướng đến việc tiêu thụ ở các chợ truyền thống. Những nơi này không đòi hỏi phẩm cấp cao. Cần nâng cao phẩm cấp để có thể cung cấp cho các siêu thị, các nhà hàng đòi hỏi chất lượng cao hơn, như thế mới mở rộng được thị trường tiêu thụ. Điều này dường như ở tỉnh ta làm rất yếu.

Ở miền Nam, cách đây vài năm, Công ty thuốc bảo vệ thực vật An Giang tổ chức ký hợp đồng với nông dân được 67.000 ha, năm nay đã được trên 100.000 ha. Công ty cung cấp giống xác nhận và cử hàng nghìn kỹ sư xuống “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nông dân, hướng dẫn họ sản xuất theo quy trình VietGap. Tới vụ thu hoạch, công ty mua toàn bộ sản phẩm đem về sấy và chế biến xuất khẩu.

Mô hình này đem lại hiệu quả cao vì đã giải quyết và xử lý được những tồn tại của kiểu làm nhỏ. Thừa Thiên Huế chúng ta với điều kiện như hiện tại không mong muốn được như vậy và cũng khó mà đạt được như vậy, nhưng ít nhất ví dụ này cho chúng ta một cái nhìn khác so với hiện nay - muốn làm ăn lớn phải có một cách làm khác, một cách tổ chức khác. Và quy luật cung cầu chi phối đến tận hang cùng ngõ hẻm, miễn ở đó có hàng hóa.

Lê Phương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top