ClockThứ Tư, 19/09/2012 16:03

Kinh doanh kiểu “ăn theo”

TTH - Ca dao xứ mình có câu “Nước lên cá đuối ăn theo/ Lái buôn hết gạo bỏ neo cầm chừng”. Tôi thích chữ dùng “ăn theo” ở đây. Nó bao hàm ý nghĩa về cái sự đời ai đó được hưởng hay có được nhờ dựa theo cái khác, người khác, không phải do tự bản thân có hoặc làm nên. Bởi vậy, bao hàm ở đây là sự nhắc nhở và cảnh báo. Cái từ “ăn theo” tưởng chỉ là chuyện đời, gần đây lại được dùng nhiều trong làm ăn kinh doanh. Đại loại như kiểu kinh doanh “ăn theo” lễ hội, “ăn theo” học trò mùa tựu trường... Hay như thời sự nhất trong những ngày tháng tám âm lịch này là “ăn theo” Trung thu.

 Ở nước ta, Trung thu là ngày tết của trẻ em, còn được gọi là Tết Trông trăng hay Tết Thiếu nhi, Tết Nhi đồng. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát, vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi, người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích. Đặc biệt, trẻ em Việt rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Dịch vụ kinh doanh gắn liền với Tết Trung thu, gắn liền với những thứ mà trẻ em “mong đợi” kia và cũng bùng phát, biến tướng từ đó.

Không còn nữa cái thứ bánh nướng, bánh ngọt bình dân rẻ tiền ngày xửa ngày xưa, một vòng đi quanh thị trường ở Huế dịp Trung thu mới thấy choáng mắt về mẫu mã và hơn thế là chuyện giá cả. Riêng một hãng bánh nổi tiếng ở phía Nam dịp rằm này chào hàng đến 70 loại bánh Trung thu, thấp nhất chừng vài chục ngàn đồng và cao nhất lên đến trên 2 triệu đồng một hộp. Con nông dân hay công nhân lương dăm ba triệu đồng một tháng chỉ có mà... dòm. Loại bánh bình dân thì ế chỏng vó, còn loại bánh đắt tiền này càng ngày bán càng chạy. Thì ra, từ “ăn theo” con trẻ, bánh Trung thu biến tướng trở thành quà cáp biếu xén cho người lớn bàn chuyện ân nghĩa, nhờ vả, đút lót nhau.

Nhớ những năm đất nước mới bắt đầu đổi mới và phát triển, cái dịch vụ kinh doanh “ăn theo” Trung thu xem chừng còn rón rén và nhỏ lẻ lắm. Nó không dữ dằn như bây giờ. Khi mà có đến vài tháng trước đêm rằm tháng tám đã thấy bánh Trung thu xuất hiện và kéo dài cho đến khi nào hàng bán xong hết. Đội quân các nhà sản xuất bánh Trung thu cũng ngày càng hùng hậu, chuyên ngành chuyên nghiệp có, to có nhỏ có, hiện đại có mà thô sơ cũng “xin cho em được tham gia”. Và, dịp Tết Trung thu là lúc các cơ sở sản xuất cạnh tranh quyết liệt từ chất lượng sản phẩm, mẫu mã đến phân phối sản phẩm. Sự đời, cũng vì thế mà đẻ ra chuyện làm ăn chụp giật kiểu “sống chết mặc bay”, với đó đây xôn xao bao chuyện bánh rởm, hàng nhái, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà chỉ nghe bàn thôi cũng đã thấy đau đầu, nhức óc.

Chuyện “ăn theo” trong làm ăn kinh tế bao hàm cả ý nghĩa của việc chọn đúng thời điểm, chộp đúng thời cơ kinh doanh, được xem bí quyết làm giàu của không ít doanh nghiệp, doanh nhân chân chính. Thế nhưng, lợi dụng dịp lễ Tết để làm ăn chụp giật, đi quá xa những giá trị trong sáng và thiêng liêng lại là chuyện không nên. Xin đừng “bỏ neo cầm chừng” kiểu “lái buôn hết gạo kia”. Nó xa lạ với những giá trị truyền thống đạo đức Việt Nam.

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top