ClockThứ Sáu, 22/08/2014 10:33

Hụt lễ hội mưa

TTH - Cuối cùng, một lễ hội mưa cũng được tổ chức nhưng không phải ở Huế - nơi cách đây 4 năm, ý tưởng này đã được khuấy động.

Đó là một lễ hội kéo dài 3 ngày, vừa diễn ra tại T.P Đà Lạt, từ 7 đến 10-8 với nhiều hoạt động khá ấn tượng.

Sự kiện này khiến người ta nhớ đến ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch mưa cho Huế cách đây vài năm, được báo Tuổi Trẻ mở hẳn một diễn đàn sôi nổi trên mấy số báo liên tiếp.

Từ chuyện bên lề, việc xây dựng lễ hội mưa sau đó được đưa vô chính sự, trong các cuộc họp, hội nghị liên quan của ngành du lịch Huế. Những cuộc làm việc với doanh nghiệp cũng được tổ chức. Những dự tính cũng được đặt ra, từ việc hình thành mẫu xích lô đi mưa, đặt hàng cho nhà sản xuất thiết kế kiểu xe đạp đi mưa chống ướt cho đến chuyện xây tour, dựng tuyến, hình thành điểm đến, mở dịch vụ ẩm thực…liên quan đến mưa.

Nhiều ý tưởng đã được đặt ra một cách hào hứng, từ việc cho du khách đi đò ngắm mưa lụt trong thành nội cho đến nghệ thuật thưởng trà, xem tranh, nghe nhạc trong mưa. Có người còn đề xuất xu hướng thiết kế đô thị Huế với những hành lang rộng, liên kết nhau để du lịch thích nghi với mưa.

Ngay cả người Singapore, khi xây dựng 10 dự án trọng điểm cho du lịch Huế, tập đoàn Akitek Tenggara cũng đã lưu tâm dành hẳn một dự án có tên Làng Mưa tại Lương Quán - một ngôi làng trù phú bên bờ nam sông Hương ngó qua hướng chùa Thiên Mụ. Với một bãi bồi ven sông, Làng Mưa được thiết kế những phương án tránh lũ, phương án đi lại trong mùa mưa, có sự liên kết với các dịch vụ ở trung tâm thành phố và các tour, tuyến.

Háo hức là thế nhưng đến nay, trước bao nhiêu ý tưởng, cuối cùng, chỉ có duy nhất một cuộc triển lãm tranh về “đặc sản” mưa Huế của 3 họa sĩ Huế: Đặng Mậu Tựu, Lê Nhường và Phan Thanh Bình được tổ chức tại Sài Gòn cách đây 2 năm. Một hoạt động chỉ đủ đánh thức, hâm nóng những hồi ức dầm dề, da diết về mưa Huế trong lòng lữ khách.

Có nhiều lý do được đưa ra khi ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch mưa Huế chìm dần. Giới doanh nghiệp lập luận, họ không thể bỏ vốn kinh doanh vào một sản phẩm bấp bênh, lệ thuộc và thất thường như mưa trong khi thiếu những chính sách, cơ chế hỗ trợ thiết thực. Thậm chí có doanh nghiệp hỏi: Làm xong mà trời không mưa thì sao? 

Nhưng lại có nhiều người nói, câu chuyện mưa một lần nữa cho thấy du lịch Huế đã quen “ăn sẵn”. Ngành du lịch không cần đầu tư gì vẫn sống được, nhờ một hệ thống thành quách rêu phong chốn hoàng cung xưa, nhờ một Thiên Mụ, một Điện Hòn Chén đã có hàng trăm năm trước. Hay đơn cử là chiếc cầu ngói Thanh Toàn cổ, một lò gạch xưa và hàng chục ngôi nhà rường ở Phước Tích… Cứ thế khai thác, trên nền nguyên liệu thô, không cần phải đầu tư, chế biến. Như “thánh địa” du lịch Tam Giang mênh mông, nói mãi, đến nay, cũng chỉ là dăm tour du lịch lẻ tẻ, tự phát khai thác cái thiên nhiên có sẵn.

Có vẻ như, cái kiểu làm du lịch quá dễ trên một nền tảng tiềm năng lộ thiên quá dồi dào đang làm cho du lịch Huế cũ đi, ít trách nhiệm hơn và ngại khó, ngại khổ, ngại khai phá cái mới. Nên dễ hiểu vì sao, dù đã có một ngôi làng nông nghiệp nhưng du lịch ở Thủy Thanh vẫn ì ạch, trong khi người Hội An đã đầu tư một làng rau ở Trà Quế với dịch vụ du lịch nông dân lại đông khách đến thế, với thời gian lưu trú thường xuyên, kéo dài cả tuần.

Cũng với tâm lý “ăn sẵn” ấy mà bao nhiêu ý tưởng làm giàu sản phẩm cho du lịch Huế, từ dịch vụ ngủ đò, vãn chùa, mở Thái Y viện… vẫn chỉ là ý tưởng, không hẳn vì năng lực các doanh nghiệp du lịch Huế còn nhỏ lẻ.

Trở lại chuyện du lịch mưa. Dù chưa ai đăng ký bản quyền nhưng giờ đây, dù sao Đà Lạt cũng đã là người đi trước. Trong khi, câu hỏi lớn: Du lịch Huế làm gì để thích nghi, để biến cái bất lợi của gần 200 ngày mưa trong năm (cũng là thời điểm cao trào khách du lịch quốc tế) thành lợi thế vẫn là một nỗi trăn trở.

Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top