Thứ Năm, 08/12/2011 05:17
(GMT+7)
Huế mình phải hơn thế
TTH - Cuối cùng thì vùng đất của núi Ngự và sông Hương cũng góp được một chiếc huy chương vàng ở môn cờ chớp của Hoàng Thị Như Ý vào thành tích chung cuộc giải ba toàn đoàn với trên 96 huy chương vàng mà đoàn thể thao Việt Nam đạt được tại SEA Games 26.
Một sự đóng góp không đến nỗi nào khi cả nước có đến 63 tỉnh, thành và phần nhiều các tấm huy chương có được đến từ các trung tâm hàng đầu Quốc gia là Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, có vẻ như người Huế mình không vui. Thay vào đó là nỗi buồn và niềm tin bị đánh mất. Tôi đã bắt gặp cái tâm trạng chung thật đáng lo đó ngay trong cả những cuộc hàn huyên nhỏ và vội vàng bên ly cà phê buổi sáng cùng bạn bè hay những cuộc gặp bất chợt nào đó với cả những người không mấy quen biết. Huy chương vàng quốc tế mà cô bé Hoàng Thị Như Ý có được, có người đã ví như cánh én không làm nỗi một mùa xuân.
Thì ra, người Huế vẫn tự hào là vùng đất thể thao, yêu thể thao và giàu truyền thống thể thao. Và tôi nghĩ, họ đã rất có lý khi một thời sân vận động Tự Do được xem là “thánh địa” của trái bóng tròn với những trận bóng ắp đầy khán giả và những người yêu bóng đá Huế trở thành một biểu tượng đáng yêu của thể thao nước Việt. Hay như vẫn còn đó hình ảnh những võ sĩ Karatedo Huế một thời lừng danh. Người Huế hãnh diện là cái nôi Karatedo của Việt Nam. Chính những người như võ sư Nguyễn Văn Dũng hiện đang còn sống là một trong những người đã góp phần đưa môn võ Karatedo từ Huế ra Hà Nội để cho đến bây giờ, đây là một trong số những “mỏ vàng” của thể thao thủ đô giàu truyền thống bậc nhất đất nước. Nó khác thật xa tình cảnh hiện nay.
Đội bóng đá Huế xuống hạng Nhất, người Huế buồn nhưng vẫn còn tự an ủi bằng cái triết lý “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” của quy luật thể thao thời kinh tế thị trường. Vậy nhưng, khi Huda Huế hiện nay, biểu tượng của sự gắn kết gượng ép giữa bóng đá với doanh nghiệp rơi xuống giải hạng nhì, được xem là nghiệp dư trong cái nhìn của nhiều người thì có cảm giác niềm tin bị đánh mất. Không còn hình ảnh của một Lê Đức Anh Tuấn hay Lê Văn Trương trong màu áo tuyển Quốc gia, người Huế buồn khi không còn cái để tự hào cho riêng mình. Những tài năng đích thực như Tuấn, như Trương không phải lúc nào cũng có, phải biết nâng niu, phải biết gieo mầm và chăm bẫm, phải biết chờ đợi. Thế nhưng, để những cầu thủ Huế và cũng chỉ là những cầu thủ bình thường lang bạt kiếm sống cực nhọc ở khắp nơi trong khi bóng đá Huế cứ chìm dần, xa dần bóng đá đỉnh cao thì đó lại là chuyện đáng giận và đáng trách. Nghèo cỡ như Đồng Tháp là cùng, vậy mà thể thao và bóng đá xứ bưng biền này vẫn sừng sững như một tượng đài. Nó khác xa hình ảnh “chìm xuồng” của bóng đá Huế.
Câu chuyện về chiếc huy chương vàng của Hoàng Thị Như Ý hoá ra lại là dịp để nhìn lại chính mình. Sự đòi hỏi có thể cao và khắt khe ở đây, nhưng biết làm sao được khi thể thao Huế đã có một thời vinh quang đáng để tự hào. Huế mình phải nhiều hơn thế là cách nói dễ thương. Và tôi nghĩ, một trong những nhân tố tạo nên giá trị Huế là từ thể thao. Quên điều đó là tự đánh mất bản sắc của vùng đất từng một thời là kinh đô của đất nước.
Đan Duy
Hoàng Thị Như Ý (giữa) nhận HCV tại SEA Games 26. Ảnh: Võ Nhân