ClockThứ Năm, 06/10/2011 10:12

Giáo dục & sự đổi mới

TTH - Với chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước đã cho phép các trường dân lập vay vốn đầu tư nước ngoài thành lập ngày càng nhiều loại hình trường học. Như vậy tính cạnh tranh trong giáo dục xuất hiện, nhiều trường thực hiện chiến lược quảng bá tên tuổi nhằm thu hút sinh viên. Điều quan trọng hơn là các trường tập trung đầu tư xây dựng thương hiệu giáo dục.

Ở châu Âu để bảo vệ thương hiệu của nền giáo dục, các nhà lãnh đạo giáo dục đã làm một cuộc cách mạng mang tính đột phá theo một lộ trình thống nhất. Trước hết họ áp dụng chế độ đào tạo tín chỉ trên toàn châu Âu; công nhận bằng cấp của nhau; liên thông đào tạo nghề và đào tạo đại học; củng cố việc trao đổi sinh viên, giảng viên bằng cách tăng cường học bổng và thù lao giảng dạy; củng cố chế độ tự trị đại học với những phương thức kiểm định chặt chẽ chất lượng đại học...

Ngay ở Trung Quốc, mới đây Trường đại học Bắc Kinh đã thỏa thuận với Trường đại học Yale nổi danh của Hoa Kỳ đón nhận sinh viên Yale đến học chung với sinh viên Trung Quốc. Sự kiện này gây sự chú ý của công luận bởi vì nhìn lại lịch sử giáo dục đại học của Trung Quốc thì đây là một sự chuyển biến mà trong một thời gian trước đây người ta khó có thể hình dung được. Từ đó nhiều trường đại học ở Trung Quốc đã tìm cách thu hút sinh viên ngoại quốc, hợp tác với các trường đại học hàng đầu quốc tế nhằm tìm cách vươn tới một vị thế mới trên bản đồ giáo dục thế giới. 

Việc hợp tác với các trường đại học danh tiếng nước ngoài, thu hút sinh viên nước ngoài đến học trên đất nước mình nó có mấy điều lợi: vừa học hỏi kinh nghiệm của đối tác để cạnh tranh tốt hơn, vừa tạo nguồn thu ngoại tệ. Điều quan trọng hơn qua sự hợp tác này tiến tới tạo ra thương hiệu giáo dục cho mình đạt đẳng cấp quốc tế.
Văn hóa Á Đông luôn đặt nặng vấn đề học vấn. Với văn hóa hiếu học như vậy, nhu cầu về giáo dục ở thị trường châu Á rất cao. Thế nhưng các trường danh tiếng lại xuất phát từ các nước Mỹ, Nhật, Anh, Canada... Trong một cuộc tọa đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mới đây tại Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, giáo dục ở nước ta đang có những quy trình đào tạo ngược, vô lý và khúc mắc ở nhiều khâu. Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh “Người ta không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng trường trong mấy năm gần đây. Chỉ từ năm 2006 đến 2010, chúng ta đã mở thêm 64 trường đại học và cao đẳng trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên đại học. Vậy làm sao có chất lượng đào tạo ở giáo dục đại học? Hơn nữa không ít giáo sư, phó giáo sư vẫn phải chạy sô với số giờ dạy vượt xa mức quy định...
Trước đây ngành giáo dục có chủ trương “mở rộng đầu vào, sàng lọc trong quá trình đào tạo, thắt chặt đầu ra”. Quy trình này phù hợp với nền giáo dục tiên tiến. Trên thực tế các trường đại học, cao đẳng đang thực hiện quy trình “Thắt chặt đầu vào, đã vào là tốt nghiệp”. Gần đây các trường đã nới lỏng đầu vào nhưng vẫn đối mặt với bài toán thiếu sinh viên!.
Một trong những vấn đề mang tính mấu chốt để phát triển giáo dục là đội ngũ cán bộ, giáo viên. Nhiều nhà quản lý giáo dục cho rằng phải sớm cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phải thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp chứ không để các thầy cô giáo sống bằng dạy thêm hoặc bằng một nghề nào khác. Cần có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài về nước tích cực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Một sản phẩm giáo dục, ngoài giáo trình tốt là cốt lõi, giảng viên, sinh viên cũng là một sản phẩm. Trong đó đội ngũ giảng viên được đề cập đến như một nhân tố quan trọng. Thầy nào trò nấy. Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nếu không có tâm yêu nghề hoặc vì một lý do nào đó mà phải làm nghề giáo thì có lẽ không cảm nhận được vẻ đẹp của nghề. Tâm yêu nghề thể hiện ngay trong bài giảng của mình, trong từng trang giáo án mà người thầy hằng ngày bổ sung kiến thức. Thực tế cho thấy có không ít cán bộ quản lý, giảng viên sau khi học xong ở lại trường, do không có tâm với nghề, không tiếp tục rèn luyện, nghiên cứu, học tập, kiến thức giảng dạy dẫm chân tại chỗ đi đến thụt lùi. Trong giai đoạn hiện nay chữ tâm lại càng được đề cao, bởi không ít cá nhân có lối sống hình thức, có tư tưởng “chạy thầy mua điểm” đây đó còn âm vang trong cuộc sống.
Học là nhiệm vụ xuyên suốt của quãng đời làm nghề giáo. Học không chỉ để lấy bằng mà phải thực sự coi sự học là để tích lũy kiến thức. Học lý thuyết phải gắn với thực tiễn. Muốn có kiến thức thực tiễn phải thâm nhập vào cuộc sống, phải nghiên cứu, đọc nhiều sách và tài liệu để hôm nay biết ít ngày mai hiểu nhiều. Để trở thành một người thầy giỏi không phải một sớm một chiều mà phải trải qua quá trình, từ tích lũy kiến thức được đào tạo cơ bản cho đến kiến thức do tự mình tích lũy.
Thừa Thiên Huế là vùng đất học, nơi có nhiều ngôi trường nổi danh. Đại học Y Dược Huế và Đại học Sư phạm Huế là hai ngôi trường với nhiều thầy cô giáo có tên tuổi, hằng năm góp phần đào tạo nhiều thế hiện sinh viên xuất sắc không chỉ phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực tại chỗ mà còn bổ sung một đội ngũ thầy thuốc, thầy giáo cho khu vực và cả nước. Đại học Y Dược Huế ngoài giảng dạy lý thuyết còn có hai cơ sở thực hành là Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, nơi có nền y học hiện đại với đội ngũ y, bác sĩ giỏi với đầy đủ phương tiện khám và điều trị hiện đại ngang tầm quốc tế.
Sự đổi mới trong giáo dục ở Đại học Huế trong những năm qua là sự phát triển mang tính liên kết đào tạo khá rõ. Thầy và trò thường xuyên có những thỏa thuận giao lưu dạy và học với các trường trong khu vực; nhiều thế hệ sinh viên được gởi đi đào tạo ở các trường, thực tập ở các cơ sở tiên tiến trên thế giới. Từ đó, Đại học Y Dược Huế và Đại học Sư phạm có một đội ngũ thầy giáo uy tín, gắn tên tuổi của mình trong từng bộ môn giảng dạy...
Với tinh thần liên kết đào tạo của các trường thành viên, Đại học Huế trong tiến trình thực hiện chiến lược đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực để xây dựng thương hiệu Đại học Quốc gia trên địa bàn Thừa Thiên Huế.
 

Chiến Hữu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top