ClockThứ Năm, 03/11/2011 04:56

Gắn phát triển văn hóa với du lịch

TTH - Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 5 vừa được tổ chức, một lần nữa, yêu cầu phát triển văn hóa Huế phải gắn với du lịch lại được đặt ra. 

Trên thực tế, sự gắn kết này đã có những cơ sở nhất định, thể hiện rõ qua nhiều lễ hội văn hóa gắn liền với mục tiêu phát triển du lịch đã được xây dựng qua các kỳ Festival Huế, các kỳ Festival làng nghề, cho đến những lễ hội biển, đầm phá tại Thuận An, Tam Giang, Lăng Cô… đã thành định kỳ từ nhiều năm qua. Hay chỉ riêng dịch vụ bán vé tham quan Quần thể di tích Cố đô Huế, mỗi năm đem lại khoản doanh thu hàng chục tỷ đồng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Tuy nhiên, so với tiềm năng, hiệu quả mang lại từ các sản phẩm văn hóa-du lịch hiện có còn rất thấp. Riêng ở mảng lễ hội, được xem là động lực thúc đẩy kinh tế nhưng lâu nay, điều chúng ta đang né tránh là chưa ai công bố, cân đối xem, ở những hoạt động văn hóa-du lịch có tính gắn kết ấy, cuối cùng, hiệu qủa kinh tế mang lại ngang đâu, trong thu hút lượng khách, tạo thêm việc làm, đóng góp ngân sách? Cũng có ý kiến cho rằng, việc đầu tư để bảo tồn và phát triển di sản văn hóa thông qua những lễ hội bề thế, hoành tráng, vô giá như Lễ tế Nam giao, Lễ tế Đàn Xã tắc, Lễ hội lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung;… thì không nên qúa đặt nặng vấn đề lỗ, lãi.
 
Không bàn đến du lịch lễ hội. Huế còn rất nhiều hướng đi có thể tạo hiệu quả từ sự gắn kết giữa văn hóa - du lịch nếu đầu tư nhiều hơn vào sản phẩm cụ thể. Như gợi ý của ông Trần Ngọc Nam - Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, chỉ với thương hiệu Thái Y Viện dưới triều Nguyễn, nếu thiết chế này được đầu tư đúng hướng, có thể tạo nên một sản phẩm du lịch - văn hóa cung đình độc đáo và chắc chắn hiệu quả. Hay sản phẩm ẩm thực cung đình Nguyễn với thực đơn yến tiệc, cung phủ vẫn chưa có chiến lược, kế hoạch đầu tư khai thác.
 
Để có nhiều hơn những sản phẩm văn hóa-du lịch có tính gắn kết, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu lớn hơn cho tỉnh, một lần nữa, bài toán xã hội hóa lại được đặt ra. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, với tiềm năng như Huế, ý tưởng về sản phẩm là không thiếu. Nhưng với tiềm lực như hiện nay mà chúng ta cứ ôm khư khư, không sớm có chủ trương và cơ chế kêu gọi xã hội hóa thì có những sản phẩm như khai thác tiềm năng của Hồ Tịnh, đến hết đời mình, đời con… chưa chắc đã làm được.
 
Kim Oanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top