Thứ Năm, 12/04/2012 14:50
(GMT+7)
Festival, một góc nhìn nhân văn
TTH - Từ hướng tới những chủ thể chính là người dân, festival ngày càng thể hiện tính nhân văn. Tại Festival 2008, “Hành trình nối dài chuyện cổ tích” quyên góp được kinh phí xây trường học cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, phẫu thuật tim cho trẻ khó khăn. Festival 2010 có hoạt động vẽ tranh trên gạch, xây nhà cho bạn nghèo, bán ảnh góp vào quỹ từ thiện.
Và Festival năm nay, thuộc chuỗi các hoạt động hưởng ứng, một số chương trình thể hiện giá trị nhân văn cao cả. Đó là giao lưu và mời cơm các em của các trung tâm trẻ khuyết tật với các văn nghệ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Huế Xa; đêm nhạc gây quỹ từ thiện gây quỹ giúp các em hiếu học kém may mắn… Bên cạnh đó, cuộc hội ngộ của 4 cung nữ triều Nguyễn còn sống làm dấy lên trong lòng người tham dự những xúc cảm về thân phận con người chốn cấm cung xưa. Tưởng như bị lãng quên nhưng lần này, các mệ cung nữ được cả cộng đồng quan tâm, chia sẻ.
Đặc biệt, chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện TƯ Huế thu hút sự quan tâm của dư luận. Ban nhạc của Mary McBride và nhóm Lê Cát Trọng Lý đã cháy hết mình trong cảnh nắng mưa liên tục. Những cơn đau thể xác của người bệnh như được xoa dịu phần nào. Trên gương mặt nhăn nhó của các khán giả đặc biệt thi thoảng giãn ra, đôi người còn hát nhẩm theo ca khúc tiếng Việt của nhóm nhạc nước ngoài. McBride chia sẻ: “Buổi diễn luôn mang tính ngẫu hứng, và bất cứ nơi đâu cũng có thể biến thành sân khấu, miễn có người hát và người nghe. Tôi rất xúc động vì khoảng cách ngôn ngữ, màu da dường như không còn”. Người xem đã cười, đã vỗ tay, sự đáp ứng ấy có giá trị gấp ngàn lần so với những buổi diễn thông thường. Họ đón nhận món quà tinh thần đầy ý nghĩa của Festival Huế một cách trân trọng với tư cách là những khán giả nhiệt thành nhất, vui nhất và tâm đắc nhất. Những khoảnh khắc ấy sẽ tạo nên dấu ấn khó quên trong cuộc sống, giúp họ tin và hy vọng vào ngày mai.
Tỏa về các làng quê phục vụ nông dân; đến với trẻ khuyết tật, người bệnh để sẻ chia. Nhờ Festival, một bộ phận người thiệt thòi được hưởng thụ văn hóa có giá trị và đẳng cấp. Có thể với đại đa số dân chúng và khán giả, lịch biểu diễn của festival khá dày, tha hồ lựa chọn và thưởng thức; nhưng với người kém may mắn, bấy nhiêu với họ vẫn chưa đủ. Tôi đã nghe họ nói: “Ước chi có thiệt nhiều Festival”!
Tuệ Ninh