ClockThứ Năm, 08/05/2014 05:27

Festival - Dư âm & phản biện

TTH - Festival Huế 2014 nói lời giã bạn đã hơn nửa tháng và gần 2 năm nữa mới đến ngày hội mới - Festival 2016, nhưng chính đây là lúc chúng ta có thể bình tĩnh để lắng nghe dư âm & những phản biện về mọi mặt quanh việc tổ chức một festival tầm cỡ xứng với kỳ vọng của nhiều người mà vẫn có đặc trưng của Huế.

Nói vậy, vì có nhận xét, nếu nêu ra sớm hơn - lúc không khí lễ hội đang diễn ra hào hứng - rất khó… “lọt tai” những người có trách nhiệm và cũng không thể điều chỉnh được; còn nếu như muốn đặt ra vấn đề “xây dựng phương hướng Fesival Huế có đặc trưng riêng, chứ không phải cứ lần sau, to hơn lớn hơn trước” như ý kiến ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin Huế, đã phát biểu thì cần phải có một hội nghị chuyên môn bàn kỹ lưỡng và giả như có quyết định “chuyển hướng” thì cần rất - rất nhiều thời gian chuẩn bị. Nghệ thuật đưa ra trước công chúng cả trong và ngoài nước không thể là thứ “mì ăn liền”, mà phải thiết kế, dàn dựng tập luyện hết sức công phu.

Xin thử nêu một ví dụ: Nếu nhấn mạnh “đặc trưng Huế”, trong một kỳ Festival, thì hẳn là Đoàn ca kịch Huế nên có một vở diễn vì đây là dịp trình diễn cái hay cái đẹp của ca Huế, đồng thời giới thiệu những câu chuyện đặc sắc đậm chất Huế. Chọn câu chuyện lịch sử hay chuyện trong cung đình?... Chỉ đặt một vấn đề như thế đã thấy phải bàn tính kỹ lưỡng và đầu tư công phu. Rồi việc đưa các trò chơi dân gian Huế ra quảng diễn và thu hút công chúng cùng chơi, nên tổ chức thế nào? Có thể cải tiến hoặc “hiện đại hóa” đến đâu?...

Lại có ý kiến Festival Huế nên dành nhiều “đất” hơn nữa cho nghệ thuật Việt Nam, đây là dịp tôn vinh và quảng bá cho những giá trị văn hoá của dân tộc. Đây có lẽ là một ý kiến xác đáng. Tôi đã chứng kiến không ít khách nước ngoài thích thú xem đêm diễn của Đoàn ca múa Việt Bắc trước Trường Quốc Học và những đêm nhạc Trịnh trong Vườn Cơ Hạ luôn đông thính giả. Nếu đây là một “phương hướng” điều chỉnh cho kỳ Festival sau thì cũng phải được bàn thảo và có kế hoạch ngay từ bây giờ. Có như thế các địa phương, các đoàn nghệ thuật trong nước mới đủ điều kiện tập luyện, chọn lựa những tiết mục đặc sắc nhất góp cho Festival Huế.

Còn sau đây là “dư âm” về một tiết mục trong Festival Huế 2014 làm tôi hết sức bất ngờ và cũng đáng suy nghĩ. Trước hết cần phải khẳng định, kỳ festival vừa qua đã có những thành công vượt trội về nhiều mặt; điều này báo chí đã nói nhiều, xin không nhắc lại. Tuy vậy, có tiết mục tạo ra nét mới, được nhiều người chờ đợi nhưng chưa hẳn đã hay, đã thích hợp. Xin được lưu ý: Trong văn hoá - nghệ thuật, có cái thu hút đông đảo người xem, nhưng không hẳn đã có giá trị - thậm chí là có hại (dễ thấy là loại sách miêu tả các thứ “giật gân”, câu khách rẻ tiền…). Trong Festival Huế 2014, một nghệ sĩ ở xa về Huế dịp này đã tỏ ra bất bình về tiết mục thắp lửa đốt sáng cầu Trường Tiền, rất không thích hợp với khung cảnh Huế, lại dễ gợi đến cảnh lửa bom đã hai lần đánh gục nhịp cầu từng là nét đẹp gắn với sông Hương và Huế cả thế kỷ vừa qua; đó là chưa nói đến tác hại làm ô nhiễm môi trường! Ý kiến này chưa hẳn đã được sự đồng tình của nhiều người, nhưng bình tĩnh nghĩ lại, màn biểu diễn nghệ thuật ấy khó có thể gọi là “nghệ thuật ánh sáng” như Đà Nẵng đã phô diễn ở Cầu Rồng. Nhân đây, cần nhắc lại tiết mục lễ hội áo dài diễu hành trên đoàn xe xích lô qua cầu Trường Tiền trong một kỳ festival trước đây - một tiết mục thật sự đặc sắc, đúng là một “vẻ đẹp không nơi nào có được” như lời một bài hát quen thuộc về Huế; nhắc lại để so sánh và đặt vấn đề khi chọn tiết mục trình diễn, rất nên được xem xét về nhiều mặt, lắng nghe các ý kiến phản biện và nếu cần, phải được sự đồng thuận của một “hội đồng nghệ thuật” chẳng hạn…

Một sự kiện lớn, tập hợp hàng trăm đoàn nghệ thuật đến từ mấy chục quốc gia, phô diễn trước hàng triệu khán - thính giả trong và ngoài nước, không dễ làm thỏa lòng mọi người. Nhưng chính vì thế, vì Huế đã chọn trở thành một “Thành phố Festival”, nên cần phải được đầu tư trí tuệ, lắng nghe những tiếng nói “phản biện” và chuẩn bị thật công phu về nhiều mặt ngay từ hôm nay, để kỳ Festival Huế 2016 tạo được dấu ấn mới sâu đậm, có giá trị văn hoá, không chỉ thu hút đông đảo du khách quốc tế mà còn là ngày hội thật sự của nhân dân Thừa Thiên Huế - những chủ nhân đích thực, người đồng sáng tạo và hưởng thụ các thành quả của Festival.

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top