ClockThứ Năm, 16/04/2015 17:12

Động đất & nghi ngại

TTH - Tám trận động đất xảy ra tại A Lưới từ năm 2014 đến nay khiến dư luận không khỏi lo lắng trước hiện tượng bất thường này.

Bất thường bởi trước đây, động đất chưa hề xuất hiện tại A Lưới cho đến năm 2014. Ngoài 4 trận xảy ra trong năm ấy, gần đây, động đất lại xuất hiện với mật độ dồn dập. Từ ngày 30/3 đến 9/4 năm 2015, tổng cộng đã có 4 trận động đất xảy ra tại huyện miền núi A Lưới. Riêng trận động đất xảy ra ngày 15/5/2014 mạnh 4,7 độ Richter, tạo nên những dư chấn ảnh hưởng đến một số khu vực tại T.P Huế. Ở A Lưới, dấu tích di chấn đến nay vẫn còn lưu lại với những vết tường nứt.

Đi tìm nguyên nhân của hiện tượng trên, PGS.TS Nguyễn Văn Canh, Khoa Địa lý - Địa chất, Trường đại học Khoa học Huế đưa ra những dẫn liệu khoa học cho hay: Động đất thường phân bố dọc theo đới đứt gãy lớn. Khu vực miền Trung từ Quy Nhơn đến Quảng Trị có chế độ kiến tạo khá phức tạp, nhiều đứt gãy sâu, đứt gãy khu vực. Đới đứt gãy theo hướng kinh tuyến, kéo dài từ Quy Nhơn - Quảng Nam - A Lưới - Đakrông - SePon (Lào). Trong đó, 3 khu vực có tần suất phát sinh chấn tiêu (tâm động đất) khá cao là khu vực Bắc Trà Mi (sông Tranh), A Lưới và Khe Sanh. Do đó, theo PGS.TS Nguyễn Văn Canh, với cấu trúc địa chất kiến tạo phức tạp, đứt gãy phân cách nhiều, địa hình miền núi phức tạp như A Lưới thì động đất xảy ra là tất yếu. Song, theo kết luận sơ bộ của các nhà khoa học, động đất ở khu vực miền Trung thường là động đất vừa và nhỏ, dưới 5 độ Richter.

Điều băn khoăn là thời gian qua, hiện tượng động đất ở miền Trung nói chung và ở Thừa Thiên Huế (khu vực A Lưới) nói riêng vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu nhiều. Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế cho rằng, đến nay, cơ quan chủ quản mới chỉ dừng ở mức nêu tình hình, thông báo cho địa phương và tiếp tục theo dõi. Còn việc phân tích nguyên nhân, tình hình diễn tiến như thế nào thì chưa thể khẳng định và nói trước được điều gì. Ngay cả các nhà khoa học cũng rất thận trọng trong đánh giá, nhận định nguyên nhân và chưa có cơ sở khoa học để giải đáp. Trong khi đó, người dân lại đang quan tâm chờ đợi kết quả nghiên cứu đánh giá, khảo sát, phân tích nguy hiểm động đất tại Thừa Thiên Huế ở mức độ chi tiết cao.

Liên quan vấn đề này, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết đã đề xuất và hối thúc Bộ Khoa học Công nghệ đưa vào kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu để sớm có đánh giá, phân tích cụ thể về tình hình động đất trên địa bàn. Điều cần thiết nữa là phải lắp đặt các trạm quan sát động đất địa phương tại khu vực huyện A Lưới và lân cận, kết hợp với trạm địa chấn quốc gia hiện đặt tại Nam Giao-T.P Huế, đảm bảo theo dõi và giám sát hoạt động động đất, nhất là cho khu vực huyện A Lưới.

Trong khi chờ đợi một công bố nghiên cứu cụ thể, chi tiết hơn, giới chuyên môn tạm thời khuyến cáo, các địa phương, người dân sống trong khu vực nhạy cảm cần quan tâm về sự cố động đất, đặc biệt là trong xây dựng các công trình (bắt buộc ít nhất phải chịu được 5,5 độ Richter trở xuống); các hồ đập thủy lợi, thủy điện cũng phải đảm bảo khả năng kháng chấn cấp VI, cấp VII, tương đương từ 5- 5,9 độ Richter mới được xây dựng. Đối với nhà dân cần xây dựng, sinh sống tránh xa các khu vực dễ sạt lở, hai bên sườn núi. Ngành chức năng cũng cần thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về động đất, sóng thần và hướng dẫn cách phòng tránh cho cán bộ quản lý và người dân nếu có sự cố xảy ra.

Một điều nữa mà PGS.TS Nguyễn Văn Canh lưu ý là cho đến nay, chưa một quốc gia nào có thể làm được công tác dự báo động đất chính xác về thời gian, không gian và mức độ động đất. Điều duy nhất mà các nhà chuyên môn có thể làm là dựa vào cấu trúc địa chất, kiến tạo, chế độ địa động lực để có thể dự báo vùng có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra động đất.

Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top