ClockThứ Năm, 20/02/2014 05:02

Để việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức đạt yêu cầu đề ra

TTH - Kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là một trong những biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn mang nặng tính hình thức, việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc, đang còn ở mức độ rất khiêm tốn; các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền chưa tiến hành xác minh tài sản của cán bộ, công chức; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về kê khai tài sản còn hạn chế. Do vậy, việc kê khai tài sản chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, cụ thể là chưa nhằm được và đúng cái đích là phát hiện các dấu hiệu tham nhũng để ngăn chặn, xử lý…

Từ năm 2007 đến 2013, gần 2.200 vụ án về tham nhũng được truy tố với gần 5.300 bị can, nhưng chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện từ những dấu hiệu bất minh trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2011, chỉ phát hiện hai trường hợp được xác định kê khai không trung thực và năm 2012 là ba trường hợp.

Để chấn chỉnh tình hình trên, ngày 3/1/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức trong diện phải kê khai. Trong đó, tiếp tục xác định, kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức, phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản. Chi ủy tổ chức việc công khai bản kê khai trong sinh hoạt của chi bộ. Cấp ủy tổ chức công khai bản kê khai tài sản của cấp ủy viên trong sinh hoạt cấp ủy. Việc công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức khác thuộc diện phải kê khai thực hiện theo quy định của pháp luật; tiến hành kiểm tra, xác minh tài sản mà cán bộ, công chức đã kê khai.

Bộ Chính trị còn yêu cầu các cấp ủy Đảng lãnh đạo chặt chẽ việc kiểm tra xác minh tài sản trong các trường hợp: có tố cáo người kê khai tài sản không trung thực; cần có thông tin phục vụ việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản; có căn cứ cho rằng việc việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Chỉ thị còn nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm minh những cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chậm tổ chức việc kê khai, không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức việc công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai…

Từ nay, chúng ta không chỉ làm nhiệm vụ kê khai mà còn giám sát việc kê khai. Lâu nay, trong việc kê khai thường chỉ chú trọng phát huy tính tự giác là chính, còn lần này là tự giác có quản lý.

Để việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đạt yêu cầu đề ra nhằm phát hiện hành vi tham nhũng, cùng với việc triển khai các biện pháp đã nêu rõ trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, cần thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ trong kiểm soát tài sản, thu nhập, tịch thu những tài sản không kê khai, hoặc kê khai không trung thực; tăng cường sự giám sát của quần chúng nhân dân, qua đó phát hiện những tài sản bất minh, hiện tượng giàu lên một cách nhanh chóng của cán bộ, đảng viên để có biện pháp kiểm tra, xử lý. Người đúng đầu tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải thật sự gương mẫu và dành nhiều thời gian, tâm sức lãnh đạo, chỉ đạo công tác kê khai tài sản, thu nhập, xử lý nghiêm hành vi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập.

Có nhiều ý kiến cho rằng, bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức thuộc diện kê khai, dù là đảng viên hay không đảng viên đều phải được công khai hóa tại nơi cán bộ, công chức đang công tác và nơi họ cư trú để thẩm định. Nếu chỉ công khai trong chi bộ Đảng thì nhân viên trong cơ quan và nhân dân làm sao có thể giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của đối tượng có nghĩa vụ phải kê khai là trung thực hay giả dối ? Đây là giải pháp tăng cường sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm phát hiện những cán bộ, công chức giàu lên nhanh chóng một cách bất thường. Mặt khác, cần nghiên cứu mở rộng diện có nghĩa vụ phải kê khai tài sản, thu nhập đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức đang công tác.

Một điều nữa cần lưu ý là, đừng biến việc kê khai tài sản, thu nhập thành một công cụ để lợi dụng cho một trận đấu tố trong nội bộ, gây mất đoàn kết thì rất nguy hiểm.

Công tác kê khai tài sản, thu nhập phải gắn với việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI, về xây dựng Đảng. Người đứng đầu các tổ chức Đảng, chính quyền các cấp phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu và kiên quyết đấu tranh với hành vi không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức để họ hiểu việc kê khai tài sản, thu nhập là một biện pháp quản lý cán bộ, công chức, giữ gìn sự trong sạch của bộ máy Đảng và Nhà nước, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hành để tham ô, tham nhũng, làm giàu bất chính. Việc kê khai tài sản, thu nhập không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của các đối tượng trong diện phải kê khai.

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top