ClockThứ Năm, 27/12/2012 06:25

Để pháp luật đi vào cuộc sống

TTH - Những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản đạt được 5 mục tiêu chung theo kế hoạch. Trong đó, chỉ tiêu phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và người sử dụng lao động vượt mức tối thiểu đề ra. Với cán bộ, công chức, viên chức, nội dung tuyên truyền gắn với quy định pháp luật liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, viên chức. Công tác tuyên truyền dựa vào hình thức lồng ghép thông qua các đợt học tập chính trị, các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Với đối tượng thanh thiếu niên, công tác giáo dục pháp luật tập trung vào các chuyên đề liên quan trực tiếp đến tình hình thực tế tại địa phương. Đối tượng là học sinh, sinh viên được truyền thông thông qua chương trình đưa pháp luật vào trường học, sinh hoạt đoàn, sinh hoạt ngoại khóa. Đối tượng vi phạm pháp luật được giáo dục tại phường, xã, thị trấn thông qua xét xử lưu động của ngành tòa án.

Ngành tư pháp đã có chương trình phối hợp tuyên truyền giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, khu vực đặc thù. Ở những địa bàn hay xảy ra tình trạng mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội như bến xe, bến tàu, nơi tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn... công tác giáo dục pháp luật có sự kết hợp với việc vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng các mô hình điểm, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật.

 

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáp dục pháp luật được triển khai khá đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, góp phần định hướng hành vi, nhận thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

 

Hình thức tuyên truyền được triển khai dưới nhiều dạng thức phong phú. Tuyên truyền miệng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Có thể nói hội thi “Cán bộ tư pháp hộ tịch giỏi”, “Chủ tịch xã với pháp luật” là những hội thi sinh động, có tác động đến việc tìm hiểu sâu, ứng xử tốt trước những tình huống đề ra, làm cho cán bộ, nhân dân dễ nhớ, dễ hiểu về pháp luật. Bên cạnh các cuộc thi, ngành tư pháp đã có sự liên kết với các địa phương, cơ sở tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ. Đây là loại hình sinh hoạt chuyên đề nhằm phổ biến, giải đáp những tình huống pháp luật phát sinh từ thực tế cuộc sống, huy động sự tham gia của đông đảo người dân.

 

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn được tổ chức phối hợp với các cơ quan truyền thông để truyền tải thông tin đến với người dân qua các chương trình, chuyên mục trên sóng truyền hình, đài truyền thanh, báo in và các trang thông tin điện tử. Hội đồng phối hợp công tác các cấp, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã biên soạn, cung cấp gần 4 triệu bản tài liệu pháp luật như sách hướng dẫn nghiệp vụ, sách chuyên đề pháp luật, sách bỏ túi, bản tin pháp luật, tờ rơi, tờ gấp, đĩa hình, panô, áp phích... là những tài liệu pháp luật được chuyển tải đến với người dân...

 

5 năm qua trước những văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hằng năm quá lớn, thường xuyên có sự thay đổi, bổ sung; có những quy định pháp luạt thiếu tính thống nhất, đồng bộ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành có khoảng 37.000 văn bản. Do đó, người dân ít am hiểu pháp luật là một thực tế. Sự khô khan của văn bản và những khó khăn trong việc tiếp cận đã làm cho văn bản luật chưa được chuyền sâu trong đời sống xã hội.

 

Để có những giải pháp tốt nhằm đưa công tác giáo dục pháp luật vào đời sống xã hội, thiết nghĩ cần xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp. Cần có cơ chế thu hút sự tham gia tích cực của các lực lượng xã hội vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để pháp luật đi vào cuộc sống, đi vào lòng dân. Trước hiện thực có quá nhiều văn bản pháp luật đang mâu thuẫn với tổ chức, lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp. Cho nên, việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung nguồn lực cán bộ làm công tác này đang là một yêu cầu thực tế. Đó là chưa nói đến các chính sách đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

 

Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế, hai đề án chương trình “Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số (do Sở NN&PTNT chủ trì); và chương trình “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” (do Sở GĐ&ĐT chủ trì) chưa triển khai đồng bộ là một tồn tại cần được khắc phục. Bởi đây là hai lực lượng đối tượng quan trọng cần được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Tranh chấp đất đai, bạo lực gia đình, nghiện ma túy, vi phạm luật lệ giao thông... là những vấn đề đang nóng lên, tập trung ở khu vực nông thôn, miền núi và trong đối tượng thanh thiếu niên.

 

“Cẩm nang pháp luật trong đời sống hằng ngày” là cuốn sách có hiệu ứng xã hội cao. Nó chuyển tải luật đến với người dân một cách dễ hiểu, dễ nhớ. Cuốn sách với nội dung văn bản luật, nghị định hướng dẫn thi hành với những tình huống thường xảy ra trong cuộc sống. Từ thực tế cuộc sống, lấy các tình huống phát sinh hằng ngày để giải đáp theo góc độ luật là giải pháp hiệu quả trong tuyên truyền, phổ biến luật.

 

Ở Thừa Thiên Huế có điển hình xây dựng tủ sách pháp luật ở thôn Kế Môn xã Điền Môn. UBND xã Phong Hải huyện Phong Điền đã vận động nhân dân cùng chính quyền xã xây dựng 5 tủ sách pháp luật, trang bị 10 đầu sách pháp luật trên 1 thôn, 5 hệ thống loa máy truyền thanh, có 5 thôn đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và nghiên cứu phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.

 

Tủ sách pháp luật ở thôn, xã; hệ thống loa máy truyền thanh ở địa bàn khu dân cư được tổ chức như xã Điền Môn và Phong Hải là nhân tố điển hình cần nghiên cứu để nhân rộng nhằm đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống.

Chiến Hữu-Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top