ClockThứ Năm, 11/12/2014 04:46

Đặt tên cá kiểu mệ”

TTH - Ở Huế, không lạ là con cá phát lát, còn được đọc thành phác lác. Trước hết, đó là loại cá khá phổ biến ở vùng đất này. Sau nữa, phát lát loại cá dễ chế biến được nhiều món ngon.

Với người Huế, cá phát lát có thể chiên, um, lẩu, canh đều khoái khẩu. Người thích “ăn khô” thì chọn món chiên hoặc um. Còn kẻ nào ưa “nước”, có thể chọn món lẩu hay canh. Tôi đặc biệt thích món cá phát lát viên chiên. Sau khi giã nhuyễn, thịt cá phát lát viên đem chiên thành miếng tròn dẹt, ăn ghém cùng dưa leo, cà chua, xà lách, chấm nước mắm chua ngọt, thiệt đúng là số dzách. Nghe nói, xưa kia trong cung đình chỉ có 2 món phát lát viên chiên và phát lát nấu canh. Sau này lan truyền ra ngoài dân gian, theo kiểu “ăn chắc mặc bền”, các bà nội trợ cho thêm nào là các loại dưa, nào bánh tráng, rồi nào bún để làm thành 4 món ăn ngon (còn có thể nhiều hơn nữa) mà no như hiện nay.

Có chuyện cá phát lát từ cung đình ra ngoài dân gian là bởi đây là giống cá quý trước đó chỉ có ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với tên gọi thát lát, một danh xưng có nguồn gốc từ tiếng Khmer. Tương truyền vào thế kỷ 19, mẹ của vua Tự Đức là bà quý phi Phạm Thị Hằng (con gái của Thượng thư Bộ Lễ - Phạm Đăng Hưng), vợ vua Thiệu Trị (Nguyễn Phúc Miên Tông), được người đời biết đến với danh xưng Đức Từ Dũ, quê ở Tân Hoà, Gia Định (nay là vùng Gò Công, Tiền Giang), rất thích ăn cá thát lát. Thế nên, khi về làm dâu của hoàng tộc ở Huế, những người hầu cận thân thích của bà đã đem giống cá thát lát ở Nam Bộ ra nuôi ở một khu vực phía sau chợ An Cựu, đến nay vẫn còn di tích gọi là cống Phát Lát (hay còn gọi Phác Lác).

Con cá thát lát ra Huế nằm trong hành trình gắn với bà Hoàng Từ Dũ gồm nhiều loại đặc sản miền Nam, như mận (đào), xoài, măng cụt, cá lóc, cá phát lát, tôm chua... đã góp phần bổ sung và làm giàu thêm kho vật sản và món ngon đất Thần kinh. Như duyên trời sẵn định, từ phương Nam xa xôi, con cá thát lát lại hạp lạ, hạp lùng với vùng đất mới là chốn kinh thành. Cá phát lát chỉ sống trong các ao hồ lắng đọng nhiều phù sa. Trời cho Thừa Thiên Huế năm nào cũng bão lụt, dư dật phù sa, nên cá phát lát dễ sinh trưởng và béo múp. Lại nữa, sau mỗi trận lụt, nước ao hồ tràn ra sông, cá thát lát theo nước bạc (nước lụt) đi tìm các ao hồ khác để sinh sống, sinh đẻ. Cứ vậy, từ ban đầu loanh quanh ở vùng An Cựu, cá thát lát đã có mặt hầu khắp ao hồ ở vùng thấp trũng Thừa Thiên Huế.

Còn vì sao đổi tên cá thát lát thành phát lát, đó lại là câu chuyện khác. Có lẽ nó bắt đầu và gắn liền với địa danh của cống Phát Lát. Vào đầu thế kỷ 18, Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm đến cư trú ở làng An Cựu. Ông đã cho mộ dân khai hoang vùng ven sông, phát dọn nhiều cây cỏ hoang dại, đặc biệt trong đó các loại cây lùm, cây lát để mở rộng diện tích sản xuất nên vùng đất đó được gọi là Phát Lát. “Phát” với nghĩa là phát dọn và “lát” được hiểu cây lát. Từ vùng đất có tên Phát Lát kéo theo các danh xưng như cống Phát Lát. Rồi con cá thát lát từ Nam Bộ thả nuôi ở cống Phát Lát nên tiện thể đặt cho cái tên mới kiểu “mệ” là cá phát lát luôn cho gần gũi, dễ gọi và dễ nhớ. Ai ngờ, với cái tên gọi mới, con cá thát lát Nam Bộ xa xôi kia lại trở nên nổi tiếng hơn, bởi gắn liền với cuộc sống và ẩm thực cung đình...

Đình Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top