ClockThứ Năm, 23/02/2012 04:45

Con đường áo trắng

TTH - Hình thành từ cuối thế kỷ 19, cùng lúc với việc người Pháp xây dựng Tòa Khâm tại Huế, con đường Ngô Quyền không rộng lớn và hiện đại, nhưng đã để lại ấn tượng và hoài niệm đẹp trong tâm thức những người con xứ Huế và cả những khách thập phương có dịp đến Cố đô.

Một thời, người đời xôn xao bàn tán về “con đường phượng bay” trong câu hát nổi tiếng “đường phượng bay mù không lối vào, hàng cây lá xanh gần với nhau” (Mưa hồng). Tôi lục tìm những bài viết, tuyệt nhiên không thấy ai nhắc đến con đường Ngô Quyền với tư cách là “con đường phượng bay” của nhạc sĩ thiên tài họ Trịnh. Vậy nhưng, tôi vẫn cứ nhớ về đường Ngô Quyền khi nghĩ đến lời bài hát kia. Tôi thầm nhủ, biết đâu nó cũng là một trong số những “con đường phượng bay”. Trịnh Công Sơn ở Huế. Hằng ngày ông vẫn thường qua lại trên những con đường phố Huế. Phượng Huế được trồng khắp nơi và gắn liền với nhiều con đường, như: Lê Duẩn, Đống Đa, Đặng Thái Thân, Đoàn Thị Điểm, Lê Lợi, Ngô Quyền… Khi sáng tạo nên hình tượng “con đường phượng bay” kia, có lẽ biết đâu vẫn phảng phất trong tâm trí của Trịnh là hình ảnh về một con đường Ngô Quyền có trồng nhiều phượng. Mùa hè râm ram tiếng ve sầu và rợp bóng cây xanh. Ngày đông khẳng khiu trụi lá, cứ bàng bạc và nhiều vấn vương.

 

 

Có thể không phải “con đường phượng bay” nhưng đường Ngô Quyền, trước năm 1955 còn có cái tên Rheinard (Rue Rheinard), vẫn thường được dân gian gọi là “con đường nhà thương thị xã” và nhiều thế hệ cắp sách đến trường nhớ lại với bao thổn thức về con đường đến trường, con đường kỷ niệm. Này đây, nằm ở bờ nam sông Hương, phía sau con đường Lê Lợi đẹp nhất Huế, khởi đầu từ đường Phan Bội Châu (tiếp giáp trước nhà trưng bày Điềm Phùng Thị), qua ngã tư các đường Nguyễn Trường Tộ, Lê Lai, Hai Bà Trưng đến đường Hà Nội (điểm tiếp giáp giao nhau tại ngã sáu các đường Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Tri Phương), tôi đo được, tổng cọng cả thảy 870 m. Thế nhưng ở đó đã có đến 3 địa chỉ lớn mang đậm dấu ấn lịch sử mà công việc gắn liền với hình ảnh về một “lương y như từ mẫu”. Đó là Bệnh viện Trung ương Huế, còn gọi một cách dân dã “nhà thương Huế”, bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Dương, được thành lập từ năm 1894, trước Trường Quốc Học 2 năm và Trường Đồng Khánh-Trưng Trắc- Hai Bà Trưng cùng nằm trên một tuyến đường đến 23 năm. Đó cũng là Trường đại học Y Dược Huế, niềm tự hào của giáo dục đại học Huế, mà tiền thân là Trường cán sự Y tế và Nữ hộ sinh Quốc gia ra đời từ năm 1957; là Trường cao đẳng Y tế Huế mà tiền thân là Trường y tá Quốc gia ngót nghét cũng đã có hơn nửa thế kỷ tồn tại. Còn nữa là những cơ sở y tế, từ hệ thống nhà thuốc tây dày đặc đến các trung tâm, như dự phòng, kiểm nghiệm dược phẩm, phòng chống sốt rét…

Hồi còn nhỏ, tôi là một học sinh nội trú của Trường Trưng Trắc. Những buổi chiều nghỉ học, tôi cùng những người bạn có thói quen dạo chơi trên con đường Ngô Quyền có nhiều duyên nợ. Buổi chiều tà, đi dưới những tán lá phượng vĩ xanh rờn có những tia nắng nhẹ xuyên qua, chứng kiến những dòng người ngược xuôi, nổi bật là những tà áo trắng thân thiện, của những người thầy thuốc tất bật từ phía bệnh viện, của những sinh viên phía các cổng trường đại học và cao đẳng, và của cả những học sinh phía ngoài Quốc học và Đồng Khánh, tôi như có một cảm giác thật lạ, đầy thân thương, thánh thiện và ấm áp. Những xô bồ, bon chen của cuộc đời cảm thấy như xa lạ ở nơi này. Để rồi, đọng lại trong tâm trí tôi là một hình ảnh đẹp, nhiều vấn vương và kỷ niệm về con đường Ngô Quyền áo trắng của ngày xưa và của cả bây giờ…

Đan Duy

 

Một góc đường Ngô Quyền hôm nay. Ảnh: Internet

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top