ClockThứ Năm, 09/08/2012 14:26

Chưa chịu làm đầu mối

TTH - Thật ra ở Thừa Thiên Huế gần đây đã hình thành một số đầu mối thu gom nông sản mà tiêu biểu là ở Quảng Thành, Quảng Điền với thương hiệu rau Hoá Châu, nổi tiếng bởi chất lượng và cũng bởi tên gọi gắn liền với thành cổ Hoá Châu huyền thoại. Rau Hoá Châu được nhiều siêu thị, khách sạn hay chợ đầu mối tại Huế hợp đồng tiêu thụ. Ăn nên và làm ra, xưởng sơ chế rau sạch cũng được đưa vào vận hành mang lại nhiều lợi ích, bảo quản rau được lâu hơn, chất lượng mẫu mã cũng nâng cao nhờ được đóng gói, dán tem, nhãn mác.

Tuy nhiên, con số vài ngàn tấn hàng mỗi năm và mới chỉ dừng lại ở một số chủng loại như rau ngò, hành hương, rau thơm… của thương hiệu rau Hoá Châu chẳng hạn, cho thấy các loại rau củ hay nói rộng hơn là mặt hàng nông sản Huế vẫn đang lép vế ngay trên thị trường địa phương. Có điều gì đó không vui khi đặc sản thanh trà Huế vắng bóng trong lúc bưởi Năm Roi ngập tràn. Tại rất nhiều siêu thị lớn ở Huế như Big C hay Co.op Mart, người ta vẫn thấy bày bán các loại rau củ, đặc biệt là cà chua có nguồn gốc xuất xứ từ Đà Lạt hay các tỉnh phía Nam mà thiếu vắng nhiều loại rau quả chính hiệu đất Thần kinh.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Hồ Thị Bích Vân, Giám đốc Big C Huế đã nói nhiều đến việc siêu thị lớn nhất Thừa Thiên Huế mong muốn có nhiều hàng nông sản Huế có mặt trong siêu thị và có được những nhà cung cấp hàng cho siêu thị, kiểu như rau sạch Hoá Châu nhưng ở tầm vóc lớn hơn về quy mô và chuyên nghiệp hơn về cung cách làm ăn. Kinh doanh đầu mối hàng nông sản vốn không xa lạ với nhiều địa phương ở Nam bộ. Ở Thừa Thiên Huế, vấn đề lại khác. Sản xuất của người dân còn manh mún và nhỏ lẻ. Chưa kể đến yếu tố thời tiết như mưa lũ, hạn hán kéo dài và diễn biến thất thường gây khó khăn cho việc cung ứng đủ số lượng và thường xuyên đặc biệt là cho những siêu thị lớn.

Siêu thị đã và đang có những “luật chơi” riêng. Chẳng hạn, tiêu chuẩn đầu tiên của nông sản vào được siêu thị là phải đảm bảo chất lượng và an toàn, nhà cung cấp buộc phải xuất trình được chứng chỉ về quản lý chất lượng. Ngoài ra, còn hàng loạt yêu cầu khắt khe khác, như khối lượng, thời gian giao hàng, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, thủ tục thanh toán... Các siêu thị luôn đòi hỏi nhiều chủng loại nhưng số lượng hạn chế. Thủ tục thanh toán rất chậm so với “tiền tươi thóc thật”, thường phải 15 - 20 ngày sau khi giao hàng siêu thị mới trả tiền.

Chưa dám và chưa chịu làm đầu mối tiêu thụ hàng nông sản cho các siêu thị là một thực trạng đáng suy nghĩ. Suy cho cùng, ở đây vẫn là yếu tố lợi nhuận và sự rủi ro đi kèm. Nó đòi hỏi ở các doanh nghiệp năng lực về vốn, sự hiểu biết và cả khả năng chấp nhận mạo hiểm. Vậy nhưng, sự ra đời của những đầu mối này lại được xem là biểu hiện của sự phát triển, nên rất cần có sự hỗ trợ và tiếp sức từ nhiều phía. 

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top