ClockThứ Tư, 08/08/2012 16:39

Chủ quyền Hoàng Sa trong sử sách tiền nhân

TTH - LTS: Là người nghiên cứu sử liệu nhằm tìm kiếm bằng chứng xác thực chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Th. S Trần Văn Quyến (Khoa XHNV – ĐH Phú Xuân) gửi đến Thừa Thiên Huế Cuối tuần bài viết của anh, góp sức cùng các nhà sử học trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương, bờ cõi. 

Từ “Hải ngoại kỷ sự”

Hòa thượng Thích Đại Sán (1633-1702) là người tỉnh Chiết Giang, đời nhà Thanh – Trung Quốc. Sách Đại Nam liệt truyện nhà Nguyễn cho biết, Thích Đại Sán là người “học rộng, tao nhã uyên bác. Thông thiên văn tinh tượng, luật lịch, bói toán, địa lý, xem số, viết chữ triện lệ, vẽ tranh truyền thần cái gì cũng biết. Lại giỏi làm thơ”.  Cảm mến về tài năng và đức độ của nhà sư, Chúa Nguyễn Phúc Chu đã mời hòa thượng sang để hoằng pháp ở Đàng Trong. Nhà sư đến phủ Chúa ngày 13 tháng 3 năm 1695 và về nước vào trung tuần tháng 6 năm 1696.

Đoạn ghi chép về Vạn Lý Trường Sa trong Hải ngoại kỷ sự

Hòa thượng Thích Đại Sán đã ghi chép hoạt động của mình, những điều tai nghe mắt thấy trong những ngày ở Thuận Hóa vào một cuốn sách lấy tên là Hải ngoại kỷ sự. Sách ghi chép từ tháng 8 năm Giáp Tuất niên hiệu Khang Hy thứ 33 (1694), lúc nhà sư Thích Đại Sán tiếp kiến sứ giả Đại Việt tại Quảng Đông cho đến khoảng tháng 11 năm Ất Hợi niên hiệu Khang Hy thứ 34 (1695). Nội dung cuốn sách đề cập đến phong thổ, nhân vật và tập tục, việc nhà sư được người dân Quảng Nam đón tiếp nồng nhiệt, nội dung các buổi trò chuyện, thư từ trao đổi, việc trụ trì, các ngày lễ Phật giáo ở Đàng Trong. Ngoài ra còn có những ghi chép về sinh hoạt của Hoa Kiều và 110 bài thơ tức cảnh của nhà sư.

Bản quốc địa đồ (Phần ghi chú về Hoàng Sa đã đánh dấu)

Trong bài khảo cứu về sư Đại Sán và Hải ngoại kỷ sự, GS. Trần Kinh Hòa đã khẳng định: “So với các sách du ký khác cùng thời của người Trung Quốc viết về Đại Việt như “An Nam cung dịch ký sự”, “An Nam tạp ký”… thì Hải ngoại kỷ sự nội dung phong phú và các sử liệu đáng tin cậy hơn rất nhiều. Điều đó cho chúng ta thấy tính chân xác và giá trị về những ghi chép của Hòa thượng Thích Đại Sán”.

Trong quyển 3 phần văn thư viết cho học sĩ Hào Đức Hầu, có đoạn ghi về sự nguy hiểm của vùng biển Hoàng Sa đối với tàu thuyền qua lại và việc kiểm soát khu vực này của các chúa Nguyễn. Những điều này chính Hòa thượng Thích Đại Sán đã trải nghiệm một phần trong lúc đi sang Đại Việt và được kiểm chứng bởi những người “khách” thường xuyên đi lại trên biển nói cho ông. Nội dung đoạn văn đó như sau: “Khách có người bảo… giữa biển có dải cát đá nằm ngang, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; cao như vách tường đứng trên biển, chỗ thấp cũng ngang mặt nước; mặt cát khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là “Vạn Lý Trường Sa” mù mịt chẳng thấy cỏ cây nhà cửa, nếu thuyền bị trái gió trái nước tất vào, dầu không tan xác, cũng không có gạo, nước trở thành ma đói. Khoảng cách đến Đại Việt là bảy canh đường, bảy canh khoảng 700 dặm. Thời quốc vương trước, hàng năm có sai thuyền đánh cá đi dọc theo bãi cát lượm vàng bạc khí cụ của các thuyền hư tấp vào. Mùa thu nước dòng cạn, chảy rút về hướng đông, bị một ngọn sóng đưa đi thuyền có thể trôi xa cả trăm dặm; sức gió chẳng mạnh, sợ có hiểm họa Trường Sa.” (Hải ngoại kỷ sự, quyển 3, trang 24. Bản in trong Tứ khố toàn thư).

…Đến các sử liệu Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX

Đọc những dòng ghi chép của Hòa thượng Thích Đại Sán chúng ta thấy tương đồng với những sử liệu đương thời của Việt Nam. Trong Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 (1776) của Lê Quý Đôn ghi: “Ngày trước, họ Nguyễn có thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm, họ luân phiên nhau đi biển, lấy tháng hai ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa này được cấp phát mỗi người sáu tháng lương, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển cả ba ngày ba đêm mới đến đảo. Họ tha hồ lượm lặt, tự ý bắt chim, bắt cá làm đồ ăn. Họ được những đồ hóa vật như gươm và ngựa bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, khẩu súng, ngà voi, sáp ong, đồ chiên giạ, đồ sứ”.

 Trước khi Hải ngoại kỷ sự ra đời 11 năm thì trong Toản tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư 篡集天南四至路圖書(1687) của Đỗ Bá đã cho biết “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn”.

Nam Hà tiệp lục南河捷錄của Lê Đản biên soạn đầu triều Nguyễn (1811) ghi “Cửa Đại Chiêm, giữa biển có dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng. Từ cửa biển Đại Chiêm đến dải cát dái [đó] ước chừng năm sáu trăm dặm, rộng chừng ba bốn mươi dặm, đứng ở giữa biển. Mùa gió Tây Nam thì tàu bè các nước phiêu bạt vào đấy. Đến mùa gió Đông Bắc [tàu bè] từ ngoài vào cũng phiêu bạt vào đây, đều bị chết đói, của cải được tích tụ ở đây. Hằng năm đến cuối đông, 18 chiếc thuyền được đưa ra đây để nhặt lấy những của cải ấy”.

Vạn lý Trường Sa, Bãi cát vàng, Hoàng Sa chử… trong các tài liệu nêu trên đều là những cụm từ nhằm chỉ quần đảo Hoàng Sa ngày nay. Sự tương đồng về những ghi chép giữa hai nguồn sử liệu của Việt Nam và của Trung Quốc cũng như những tài liệu của phương Tây đương thời cho thấy, những hiểu biết về Hoàng Sa là phổ biến đối với những người đi lại trên khu vực này. Đồng thời, đó cũng là cứ liệu lịch sử xác thực ngay từ rất sớm, ít nhất là cuối thế kỷ 17 Việt Nam đã có các hoạt động khai thác kinh tế, kiểm soát và thực thi chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa. Đó là sự thật lịch sử không thể phủ nhận!

Chủ quyền Hoàng Sa trong sách giáo khoa thời Tự Đức

Đó là cuốn sách Khải đồng thuyết ước 啟童說約 một quyển sách thời Nguyễn dạy trẻ em bắt đầu học vỡ lòng, bằng chữ Hán. Sách dạy về nhiều môn, dựa trên quan điểm tam tài (thiên, địa, nhân), dạy đại khái từ thiên văn, địa lý, rồi đến nhân sự, các tri thức trong vũ trụ. Sách viết theo lối văn tứ tự có vần, mỗi câu có bốn chữ, bốn câu hai vần, các thanh bằng, thanh trắc thay đổi nhịp nhàng nhằm để người mới học đọc thuận miệng và dễ học thuộc lòng. Nội dung sách cung cấp nhiều kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, sách có viết nhiều về các sự việc trong lịch sử Việt Nam, thiết thực cho trẻ em Việt Nam thời đó.

Mở tờ đầu sách thấy rõ 4 chữ in to: Khải đồng thuyết ước; phía trên đề ngang: Tự Đức Tân Tỵ hạ tân thuyên 嗣德新巳夏新鐫 (1881); phía phải: Kim Giang Phạm Phục Trai toản tập 金江范復齋纂輯. Đầu sách là tờ mục lục, dòng đầu đề tên sách, dưới tên sách đến tên tác giả và người nhuận sắc. Sau mục lục đến bài tựa của tác giả đề năm Quý Sửu, Tự Đức thứ 6 (1853).

Sách bao gồm 2 quyển thượng, hạ do Phạm Vọng 范望 soạn, Ngô Thế Vinh 吳世榮 (1802 - 1856) nhuận sắc. Trong bài tựa in sách, tác giả nói rõ mục tiêu viết sách là: “sưu tập nhiều sách, xem được ít nhiều, bèn trích lấy những điều đại lược về thiên văn địa lý, thế thứ các đời, biên thành một tập, chia làm ba phần, mỗi câu bốn chữ, bốn câu có hai vần, thanh bằng thanh trắc thay đổi, để tiện cho trẻ em dễ học thuộc lòng; đặt tên gọi là Khải đồng thuyết ước, khiến cho các con cháu trong nhà học tập, may ra biết được qua loa về tam tài, điều cốt yếu là muốn nói về nước nhà, điều ấy cũng còn tự mở rộng thêm kiến văn cho tôi học được từ xưa.”

Tác giả Phạm Vọng, tên tự là Phục Trai, hiệu là Kim Giang, người làng Kim Đô, huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, đậu Cử nhân năm Thiệu Trị Tân Sửu (1841). Hiện nay chưa rõ năm sinh, năm mất.

Bản đồ được khắc in trong sách có tên là Bản quốc địa đồ 本國地圖thuộc các trang 15-16 của sách. Trên bản đồ ghi vị trí của các tỉnh và các ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long. Sau đó là những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp, thuộc của từng tỉnh. Phần ngoài biển đối diện với địa phận của Thừa Thiên và Quảng Nam trong bản đồ có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ: Hoàng Sa Chử 黄沙渚có nghĩa là Bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa.

Khải đồng thuyết ước là một cuốn sách giáo khoa thời xưa có nhiều ưu điểm như dạy sử Việt Nam, những ghi chép về sản vật, các kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời); thiên nhiên (thiên văn, địa lí); Cách tu dưỡng bản thân, có hình vẽ bản đồ Việt Nam, mặt trời, mặt trăng, thân thể con người. Các bí quyết về việc xem vận số. Đọc bài tựa của tác giả, ta thấy từ sau khi sách Khải đồng thuyết ước ra đời năm 1853, có một sự chuyển biến lớn về phương pháp sư phạm ở Việt Nam, chuyển biến về giáo dục tư tưởng, về tri thức khoa học nhiều hơn văn chương cử nghiệp.

Hiện nay, tại Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ rất nhiều bản sách này. Cụ thể gồm: 6 bản in, 5 bản viết tay. Tại Thư viện quốc gia, ngoài bản in năm Duy Tân thứ 6 theo bản in năm Tự Đức thứ 6 ký hiệu R.562 còn có 3 quyển khác ký hiệu: R.1892; R.2031; R.2032 có nội dung tương tự nhưng xuất bản năm Tự Đức Tân Tỵ (1881).

Sách Khải đồng thuyết ước được khắc in lần đầu vào năm Quý Sửu Tự Đức thứ 6 (1853). Vì là sách giáo khoa nên đã được khắc nhiều lần trải qua các triều vua. Chính vì điều đó nên ở trong dân gian vẫn còn rải rác nhiều sách này hoặc là sách in hoặc là sách chép tay. Khải đồng thuyết ước là sách được sử dụng trong tất cả các trường học của nước ta ngay từ đầu đời Tự Đức cũng giống như sách giáo khoa ngày nay, với ghi chú về quần đảo Hoàng Sa cho thấy được ý thức chủ quyền về quần đảo này được xác nhận vững chắc và được nêu lên ngay trong sách học từ bậc tiểu học. Đọc Khải đồng thuyết ước cùng tấm bản đồ quý chúng ta lại có thêm một chứng cứ về chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn.

Th. S Trần Văn Quyến

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top