ClockThứ Năm, 05/04/2012 02:46

Chữ LIÊM trong đạo đức cách mạng

TTH - Trước lúc đi xa, trong di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những điều tâm huyết về Đảng và đạo đức cách mạng. Bác dặn phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến đạo đức cách mạng cả về phương diện lý luận và hành động cách mạng. Về lý luận, Bác để lại cho chúng ta một hệ thống chuẩn mực đạo đức toàn diện và sâu sắc. Về tác phong, Bác là tấm gương mẫu mực về nói đi đôi với làm. Tác phong của Bác chứa đựng những phẩm chất đạo đức sáng ngời. Đạo đức cách mạng là các đức tính cần kiệm liêm chính, nhân nghĩa trí dũng, chí công vô tư.

Chí công vô tư, trước hết trong công việc luôn nghĩ đến lợi ích của Đảng, của Tổ quốc của Nhân dân, gặt bỏ lợi ích cá nhân, cho nên thực hành chí công vô tư là quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Ai cũng rất rõ rằng, chủ nghĩa cá nhân là một thứ gian giảo, nó làm cho con người trở nên ích kỷ, ty tiện, kéo con người đi đến tha hóa lúc nào không hay. Khi đã tha hóa nó mang đến cho con người biết bao thứ bệnh: tham ô, xa hoa, tham danh trục lợi, lãng phí, chuyên quyền, quan liêu...

Thực tế trong cuộc sống, công tác, cho chúng ta những bài học về những cán bộ thoái hóa, do không đề cao đạo đức cách mạng, không chí công vô tư, để cho chủ nghĩa cá nhân lấn át vào suy nghĩ, hành động của mình, để rồi trở thành một “tấm gương xấu” mà xã hội lên án. Đó là những hình ảnh xa hoa, lãng phí của một số cán bộ mà pháp luật đã trừng phạt; công luận đã lên tiếng. Thế nhưng, đáng buồn là sau mỗi hành vi cá nhân xấu được lên án thì hiện tượng cán bộ sa sút phẩm chất tiếp tục được báo chí nêu tên ngày càng đáng ngạc nhiên bởi hành vi thoái hóa khó tin được. Đem tiền tỷ cưới vợ cho con, thiệp cưới ghi luôn cả chức vụ của mình, tham gia đánh bạc lên tới tiền tỷ, xây biệt thự quá tầm cỡ, rồi đất đai, cổ phần, ngoại tệ...
 
Tất cả đều do chủ nghĩa cá nhân đẻ ra khi người cán bộ có chút chức quyền, địa vị bên mình mà không rèn luyện, tu dưỡng về đạo đức cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân ngoài làm hại cho cá nhân, còn làm nguy cho uy tín của Đảng và dân tộc. Cho nên chủ nghĩa xã hội giành thắng lợi không thể không tính đến thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân. Muốn trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân phải đề cao đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng là nâng cao các đức tính cần kiệm liêm chính. Người cán bộ cần kiệm liêm chính là người siêng năng, chăm chỉ; không xa xỉ, không bừa bãi; trong sạch, không tham danh; luôn đứng đắn, thẳng thắn…
 
Cần kiệm liêm chính là thước đo chất người của một con người, là thước đo đạo đức công dân. Trong cuộc sống ở phố phường, làng xóm, từ mối quan hệ cộng đồng, chúng ta thường nghe người đời khen nhau: Bác ấy sống đức độ, mẫu mực lắm; cô ấy thương người lắm; chú ấy sống không mất lòng ai; ông ấy là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống, luôn giúp người, không ích kỷ, luôn vì lợi ích chung... Đó là đạo đức công dân được người đời ngợi khen. Nhưng với người cán bộ, cần kiệm liêm chính có ý nghĩa quan trọng hơn. Vì người cán bộ được hiểu như hai con người trong một con người. Trước hết là một công dân, hai là họ là một cán bộ, đảng viên. Đã là cán bộ, đảng viên tất nhiên vai trò, vị trí nặng nề hơn một công dân. Nếu là cán bộ, đảng viên có chức quyền, dù to hay nhỏ thì vai trò, vị trí lại cao hơn và nặng nề hơn nữa. Chức trọng càng cao đòi hỏi phải giữ gìn và tu dưỡng đạo đức cách mạng, trước hết là giữ cho được chữ LIÊM. Bác Hồ nhấn mạnh nội dung đầu tiên của chữ LIÊM là không tham danh, địa vị. LIÊM là liêm khiết, trong sáng, thanh bạch. Có địa vị mà không LIÊM thì dễ sa vào lợi ích vật chất. Thực tiễn cho thấy một người dân bình thường đã có lòng tham về vật chất nhưng vì không có địa vị, quyền hành nên dù có tham về vật chất cũng khó mà có được nếu không đem sức lực, trí tuệ ra mà sản xuất, kinh doanh. Ngược lại người cán bộ, đảng viên nếu không giữ chữ LIÊM thì rất dễ sa ngã về vật chất. Mỗi khi sa ngã về vật chất thì đạo đức không còn. Cán bộ, đảng viên có quyền lực lại càng phải giữ chữ LIÊM cao hơn. Vì sao vậy? Tư tưởng Hồ Chí Minh cho thấy quyền lực có hai cách sử dụng. Người có đạo đức sử dụng quyền lực phục vụ nhân dân, không tham lam vật chất, địa vị, không màng danh lợi. Trái lại người có quyền lực mà thiếu đạo đức, thiếu liêm chính thì dễ dùng quyền lực để mưu cầu lợi ích cá nhân. Đây là hạng người cậy chức, cậy quyền, lạm dụng quyền lực để làm giàu cho bản thân và gia đình. Hạng người ấy chỉ làm hại cho Tổ quốc và nhân dân.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng lệnh của quốc dân ra trước mặt trận...”.
 
Học tập tấm gương của Bác Hồ là việc làm thường xuyên, lâu dài. Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta trong thời đại ngày nay nếu muốn đem sức mình để cống hiến cho nhân dân, cho cách mạng và Tổ quốc thì phải rèn đức, luyện tài theo tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó phải giữ gìn đức tính Liêm khiết.
 
Chiến Hữu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top