ClockThứ Năm, 14/05/2015 15:54

Câu hỏi & chờ mong

TTH - Một sự kiện được nhiều người quan tâm ở lĩnh vực tài chính-ngân hàng trên địa bàn mới đây là sự giải thể Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Thừa Thiên Huế. Giải thể không vì do đơn vị này làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, mà giải thể để sáp nhập với chi nhánh Quảng Trị, trở thành chi nhánh tầm khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị theo chiến lược phát triển VDB đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Động thái này nhằm tăng cường năng lực, để VDB Thừa Thiên Huế - Quảng Trị hoàn thành tốt hơn nữa sứ mệnh là nhà tài trợ vốn cho các doanh nghiệp, đóng góp tích cực hơn nữa cho việc thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

Với vai trò là một ngân hàng của Chính phủ nhằm thực hiện chính sách tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước đối với các ngành nghề, lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư, cùng với toàn ngành, từ lúc thành lập đến nay, VDB Thừa Thiên Huế và VBD Quảng Trị đã tiếp nhận, thẩm định hơn 100 dự án đầu tư; giải ngân cho vay vốn tín dụng đầu tư nhà nước 4.867 tỷ đồng (trong đó, chi nhánh Thừa Thiên Huế 3.715 tỷ; chi nhánh Quảng Trị 1.152 tỷ ). Một số dự án được cho vay đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn như thủy điện A Lưới, thủy điện Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Đăk rông 2, Đăk rông 3, Sông Tranh 3 (Quảng Trị); Dự án nhà máy Sợi chất lượng cao Phú Bài, Bệnh viện quốc tế, Khu du lịch sinh thái Veranda (Thừa Thiên Huế); Rượu Sikas, trồng rừng kinh tế của Cty lâm nghiệp Bến Hải, Nhà máy tinh bột sắn (Quảng Trị); kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn, điện, nước sạch nông thôn trên địa bàn 2 tỉnh…. Bên cạnh đó, VDB đã hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gần 755 tỷ đồng; thực hiện quản lý cho vay vốn ODA đối với 8 dự án với tổng dư nợ đến thời điểm 31/3/2015 là 284 tỷ đồng. Ký hợp đồng hỗ trợ sau đầu tư cho 36 dự án tại Thừa Thiên Huế/18 tỷ đồng; 12 dự án tại Quảng Trị/2 tỷ đồng; bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng thương mại 30 dự án với tổng vốn được chấp thuận 93 tỷ đồng. Huy động vốn tăng bình quân trên 25%/năm… Và, ngay trong ngày thành lập chi nhánh khu vực, VDB Thừa Thiên Huế- Quảng Trị đã ký hợp đồng cho vay tín dụng đối với 4 dự án: Kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn; Bảo tồn và phát huy di sản cố đô Huế; Khu du lịch sinh thái Veranda giai đoạn 2 và thủy điện Dadrink 2 với tổng vốn trên 2.000 tỷ đồng.

Con số trăm dự án, con số dư nợ hàng ngàn tỷ đồng khiến không ít người “ngoại đạo” như chúng tôi choáng ngợp. Thế nhưng, cũng ngay trong ngày thành lập VDB Thừa Thiên Huế- Quảng Trị, ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản lý VDB đã cung cấp một thông tin khiến cử tọa ngỡ ngàng. Ông Dũng khẳng khái: Tổng dư nợ ở mức 4.000 tỷ của VDB Thừa Thiên Huế- Quảng Trị là con số đang ở mức khiêm tốn, mới đạt chừng 50% mức dư nợ bình quân chung của VDB. VDB Thừa Thiên Huế- Quảng Trị phải phấn đấu hơn nữa. Ông Dũng cũng tiết lộ, trong hệ thống VDB, có chi nhánh đạt mức dư nợ đến con số 20.000 tỷ! VDB là công cụ của Chính phủ, VDB Thừa Thiên Huế- Quảng Trị phải nỗ lực, góp phần thật đắc lực thúc đẩy kinh tế- xã hội Thừa Thiên Huế và Quảng Trị phát triển. Đó không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là nghĩa tình, là trách nhiệm của VDB đối với vùng đất anh hùng, vùng đất di sản- niềm tự hào của cả đất nước. Ông Dũng giao nhiệm vụ.

Thông tin từ người đứng đầu hệ thống VDB cho người nghe hiểu rằng nguồn lực của VDB là khá dồi dào. Và con số dư nợ 3.715 tỷ của chi nhánh Thừa Thiên Huế, 1.152 tỷ của chi nhánh Quảng Trị trước đây dù là rất cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu như mong muốn.

Doanh nghiệp cần vốn, các dự án, chương trình… tất tật đều cần vốn, thậm chí khát vốn. Đó là thực tế của nhiều năm qua. VDB có nguồn, đó cũng là một thực tế như thông tin từ ông Chủ tịch Hội đồng quản lý tiết lộ. Vậy tại sao giữa bên cần vay và bên cho vay chưa gặp nhau, tại sao tổng mức dư nợ của Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đều ở con số không cao? Đó là câu hỏi chắc hẳn không chỉ có chúng tôi mà nhiều người khác nữa cũng đang nghĩ tới và mong tìm lời giải. Do VDB quá cẩn trọng trong bảo toàn nguồn vốn của nhà nước? do dự án, doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu? những dự án nào, những doanh nghiệp nào thì thuộc đối tượng được vay? thủ tục phải bắt đầu từ đâu? mức lãi suất? “ai” thì được hưởng lãi suất này, “ai” thuộc đối tượng hưởng lãi suất kia?... Rất nhiều câu hỏi được quan tâm nhưng tìm lời giải đáp thì chưa hẳn dễ. Bởi lẽ, hình như khác với các ngân hàng thương mại (NHTM), thông tin sản phẩm của các NHTM xuất hiện khá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương, còn của VDB thì xem chừng rất hiếm (?)

Nói ra có thể chạm tự ái, nhưng trong “dân gian”, người ta bảo có 2 loại ngân hàng… rất sướng, đó là ngân hàng chính sách và ngân hàng phát triển. Gọi là ngân hàng nhưng ít bị áp lực kinh doanh. Ít áp lực về kinh doanh, nhưng ngược lại, áp lực về trách nhiệm xã hội chắc chắn là rất lớn. Với VDB, việc sáp nhập chi nhánh Quảng Trị với chi nhánh Thừa Thiên Huế để thành chi nhánh khu vực hy vọng sẽ không là một phép cộng đơn thuần. Mà đó sẽ là cơ hội, là động lực để nhân lên sức mạnh và hiệu quả công việc. Bốn dự án được ký kết trong ngày ra mắt mới là bước khởi đầu. Xã hội đang mong chờ VDB Thừa Thiên Huế - Quảng Trị chủ động tiếp cận các cơ hội đầu tư, chủ động tăng cường tư vấn, “tiếp thị” để nguồn lực của đất nước đến được với doanh nghiệp, với các chương trình, dự án một cách hanh thông và dồi dào hơn, góp phần đắc lực tạo cơ hội, tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế, Quảng Trị phát triển, tiến kịp với các tỉnh thành trong khu vực và trong cả nước.

Huy Khánh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top