ClockThứ Năm, 24/07/2014 07:24

Cặp đôi trên biển

TTH - Sách vở gọi đó là sự kiên kết trong đánh bắt xa bờ, còn với nhiều ngư dân ở Thừa Thiên Huế thì nó là mô hình “cặp đôi”. Cùng với các đội tàu đánh bắt xa bờ, đã hình thành nên các đội tàu thu mua, chế biến và làm dịch vụ hậu cần bao tiêu sản phẩm ngay trên biển. Đời có đôi có đũa bao giờ vẫn hơn. Đánh bắt xa bờ lại càng cần đến sự hỗ trợ, liên kết và phân công này.

Ở Thừa Thiên Huế, riêng xã Lộc Trì (Phú Lộc) đã có đội tàu dịch vụ lên đến 35 chiếc, công suất từ 250CV đến 450CV. Đội tàu này thực hiện bao tiêu sản phẩm cho tàu đánh bắt xa bờ ở Phú Vang (Thừa Thiên Huế), TP Đà Nẵng, các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Hoạt động hậu cần nghề cá mang lại hiệu quả nên kế hoạch trong năm 2015, đội tàu dịch vụ của xã Lộc Trì sẽ đóng mới thêm từ 5 đến 7 chiếc. Còn trong thực tế, một số gia đình như nhà ông Trần Thoại có 3 anh em đang sở hữu đến 7 chiếc tàu. Xem ra, sự ăn ra làm nên của các tàu dịch vụ này gắn liền với hiệu quả của tàu đánh bắt xa bờ.

Tàu làm dịch vụ cho đánh bắt xa bờ có nhiệm vụ thu mua sản phẩm của tàu đánh bắt ngay trên biển theo giá cả quy định và đem vào bờ bán. Bên cạnh đó, còn cung cấp (theo kiểu nhận chuyển giúp từ bờ ra khơi) các loại nhiên liệu xăng dầu, lương thực thực phẩm... cho tàu đánh bắt. Với cách làm này, tàu đánh bắt không phải di chuyển nhiều mà có điều kiện bám ngư trường dài ngày vì không còn lo bán hàng và hậu cần. Còn nữa, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi từ sự liên kết, đó là có thể tiếp cận được với các mặt hàng thủy sản có chất lượng và đặc biệt là rất tươi.

Ngoài ra, có một công việc mà có lẽ nhiều người chưa biết, đó là các tàu dịch vụ còn làm thêm nhiệm vụ “chong đèn” cho tàu đánh bắt tiến hành hoạt động khai thác. Muốn đánh bắt hải sản trong điều kiện đêm tối phải cần tới ánh sáng và đó là công việc của các tàu dịch vụ. Nó là một kiểu liên kết trong sản xuất đánh bắt, một công đôi việc, hình thành trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và được tính toán ăn chia theo một tỷ lệ quy định, đúng với đồng vốn và công sức bỏ ra.

Trong bối cảnh tình hình hiện nay khi mà trên Biển Đông, Trung Quốc liên tục có những hành động uy hiếp, phá hoại gây nên những ảnh hưởng không tốt trong họat động đánh bắt và khai thác hải sản thì mô hình “cặp đôi” này càng tỏ rõ sự hữu dụng. Nó tạo nên sự liên kết trong làm ăn trên biển, là “cặp đôi hoàn hảo”, tăng thêm sự tự tin và sức mạnh trong họat động đánh bắt thủy sản, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top