ClockThứ Năm, 26/12/2013 06:03

Cái lạnh xứ Huế

TTH - Rồi Huế cũng trải qua một đợt lạnh đầu tiên. Mùa lạnh Quý Tỵ 2013 có vẻ đến chậm nhưng rồi, cũng đã mang trong mình nó những gì đặc trưng nhất của cái lạnh xứ Huế, rét buốt đi liền với mưa dầm và gió bấc, rét chồng lên rét dai dẳng và kéo dài. Một ngày, một tuần, rồi cả tháng trời đằng đẵng, không thấy mặt trời hé nắng khiến cho ai đó cừ bồn chồn, lo lắng và sốt ruột. 

Cách nay mươi ngày, đúng vào đợt rét gay gắt, tôi đi về Quảng Điền, ngang qua xã Quảng Phú, nơi có làng Bác Vọng xưa là thủ phủ xứ Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Dẫn giải dài dòng thế là do tôi muốn nhắc tới Hòa thượng Thích Đại Sán, hay còn có phương danh khác là Thạch Liêm Lão Hòa Thượng. Xưa ông từng được chúa Nguyễn Phúc Chu mời đến thủ phủ xứ Đàng Trong như một bậc danh sư đại thượng khách. Để rồi, trong tác phẩm “Hải ngoại ký sự” lưu truyền cho hậu thế, ông viết về thời tiết Huế cứ như một sự đóng đinh vào tâm khảm người đời: “Tứ thời giai thị hạ, nhất vũ tiệm thành đông”. Dịch nghĩa là: “Bốn mùa đều là mùa hạ, (chỉ cần) một cơn mưa là từ từ biến thành mùa đông”.

Trong buổi tối đầu tiên hay tin, rồi “chờ” ngọn gió mùa đem cái rét từ phương Bắc đến Huế, tôi như cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn cái ý tứ sâu của tác giả “Hải ngoại ký sự”. Bắt đầu từ những đợt không khí lạnh tràn từ miền Bắc vào nên có cảm giác cái lạnh như đang chạy về Huế, ùa tới từng mái nhà. Mà cũng phải, ban ngày trời vẫn quang tạnh, nửa đêm trở gió, rồi buổi sáng thức dậy thấy tầm tã mưa rơi thì thôi biết rồi, Huế đang trở lạnh. Người già hay kẻ đã bắt đầu có tuổi như tôi có vẻ như cảm nhận đầy đủ hơn về cái lạnh ùa về. Nó đến từ nửa đêm thức giấc bởi trời trở lạnh, từ cái cảm giác đau nhức tứ chi, mình mẩy và những nỗi sợ mơ hồ trong đêm khuya gió buốt.

Người ta nói nhiều đến phần lớn diện tích của Thừa Thiên Huế là đồi núi tạo thành một vòng cung kéo dài từ phía tây xuống phía nam và hòn Sơn Trà phía đông Hải Vân như một bức tường thành chắn gió mùa đông bắc nên bao nhiêu hơi nước tích tụ trong gió mùa đều nằm lại ở đây, tạo nên những cơn mưa đông khiến cho cái lạnh càng trở nên da diết, cắt thịt cắt da. Cũng vì đã lạnh lại còn mưa nên xưa đường sá lầy lội, mỗi căn nhà như một ốc đảo, một cõi riêng, người ta ít giao lưu, ngại đi lại. Cái bếp lửa bập bùng gắn với những bữa cơm ngày đông rét muốt bởi thế mà trở thành biểu tượng ký ức không thể nào quên của bao kẻ tha hương, hồi nhớ về cái lạnh nơi quê nhà.

Khi mà cánh đồng ngoài kia đã bắt đầu cạn nước sau ròng rã mấy tháng trời nước ngập mênh mông báo hiệu về vụ lúa mới đã sửa soạn bắt đầu và cũng thời điểm mà cái Tết đang cập kề bên cánh cửa thì cái lạnh lẽo, mưa rét còn mang tới cho người dân Huế thêm bao nỗi bồn chồn, lo lắng với sự đứng ngồi không yên…

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top