ClockThứ Tư, 20/11/2013 15:00

Biến đổi khí hậu và nỗi lo thủy điện

TTH - Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều biến động về môi trường, khí hậu. Bão lũ, nhiệt độ trái đất tăng lên, nước biển dâng, hệ sinh thái rừng thu hẹp... Những thay đổi đó đang ảnh hưởng đến cuộc sống của con người ở các quốc gia trên thế giới.

Biến đối khí hậu là một khái niệm được nhắc đến mỗi lần xảy ra thời tiết cực đoan như lũ quét, triều cường, động đất, gió bão. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên ngày càng gia tăng gây thảm họa cho loài người đến mức thảm khốc.

Ở Việt Nam, các nhà khoa học tính toán, trong khoảng 50 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình đã tăng lên khoảng 0,70C, nước biển dâng lên khoảng 20cm. Con số mà các nhà khoa học đưa ra gần đây cho thấy, nhiệt độ ở miền Bắc sẽ tăng từ 0,80C đến 3,40C vào năm 2050 và tiếp tục tăng vào cuối thế kỷ 21. Lượng mưa sẽ có sự biến động, dao động từ dưới 16% đến 36% vào giữa thế kỷ 21. Bão trên biển Đông ngày càng có cường độ mạnh hơn, gây lũ quét và sạt lở đất.

Siêu bão thế kỷ Haiyan vừa qua với tốc độ có lúc lên tới 315km/giờ đã quét qua Philippines làm tan hoang nhà cửa, phố xá, hàng ngàn người chết... để lại một thảm cảnh mà loài người phải thổn thức, đồng cảm chung với nỗi đau do biến đổi khí hậu gây ra. Siêu bão thế kỷ làm cả đất nước ta choáng ngợp, miền Trung gồng mình trong sợ hãi trước những dự báo cơn bão sẽ quét qua các tỉnh nghèo này. Cơn bão với vòng xoáy có diện tích 1.800km2, không biết điều gì sẽ xảy ra khi nó quét qua miền Trung ruột thịt này. May sao bão Haiyan đã đổi hướng. Chưa bao giờ chúng ta có một cuộc di dân tránh bão lớn lao như công tác phòng, chống bão lụt vừa qua với hơn 1 triệu người dân phải sơ tán tránh bão. Sau bão Haiyan, miền Trung lại hứng chịu trận lũ lớn từ Thừa Thiên Thiên Huế vào tận Phú Yên và Tây Nguyên, nhiều đoạn đường, vùng dân cư bị chia cắt.

Miền Trung là vùng rốn lũ, lại là dãy đất có quá nhiều công trình thủy điện. Bên cạnh nỗi lo lũ lụt do thiên tai, người dân lại càng lo hơn về quy trình xả lũ ở các công trình thủy điện. Cuộc sống của người dân vùng hạ du cứ thấp thỏm, lo âu bởi đã có nhiều sự kiện vỡ đê, vỡ đập diễn ra gây tổn thất lớn lao cho người dân. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII vấn đề quy hoạch tổng thể thủy điện được đặt ra, thảo luận sôi nổi. Nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch thủy điện trên toàn quốc có quá nhiều lỗ hổng. Quá trình quy hoạch không được tính toán kỹ trong sự điều hành thống nhất mà chỉ dừng lại ở cơ sở bậc thang thủy điện, tức quy hoạch dòng chảy. Vấn đề môi trường, văn hóa xã hội, đời sống nhân dân gần như chưa được quan tâm đồng bộ, đúng mức, ngay từ đầu khi quy hoạch xây dựng công trình thủy điện. Thủy điện sông Tranh khi xảy ra sự cố mới lo ngại công trình thủy điện này không có cửa xả đáy mà chỉ có đập tràn. Có đại biểu băn khoăn khi xây dựng công trình thủy điện, việc dự kiến thảm hoạ và nguy cơ gây ra cho con người chưa được tính toán kỹ. Cho nên nhiều nhà máy thủy điện treo trên đầu khu dân cư những túi nước khổng lồ. Nếu không may có thảm họa thì khó có cách phòng tránh bởi cự ly giữa dòng nước với vùng cư dân quá gần.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu cụ thể, qua giám sát thủy điện ở Thanh Hóa thấy rằng hậu quả của sự lỏng lẻo trong quy hoạch thủy điện hết sức nghiêm trọng, không những cho hiện tại mà cho cả tương lai. Qua đánh giá, cán bộ, chính quyền và nhân dân không mặn mà gì với thủy điện. Thanh Hóa có 7 nhà máy thủy điện cùng hoạt động trên sông Mã. Hồn cốt của sông Mã sẽ biến dạng, điệu hò sông Mã chỉ còn là dĩ vãng, văn hóa sông Mã cùng dần phôi pha!

Thủy điện như những phân tích của các nhà khoa học, sự lên tiếng của nhiều ngành, của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo dừng trên 40% dự án. Thời gian gần đây, trước những tác động tiêu cực hiện hữu cũng như nguy cơ tiềm ẩn về môi trường và xã hội của các đập thủy điện đã được các nhà chức tránh, nhà khoa học ở một số quốc gia lên tiếng và hành động. Một số nước đã chấm dứt việc xây dựng thủy điện, thậm chí có nước chấp nhận tốn tiền để phá bỏ như trường hợp ở Mỹ, Nhật. Do đó, việc soạn thảo một chiến lược phát triển thủy điện bền vững là nhiệm vụ hết sức cấp thiết và khoa học. Cần đánh giá toàn diện các phương án khác nhau và tác động của các đập, bảo đảm bền vững cho con sông và sinh kế của người dân. Phải trên cơ sở nhận thức cái được, cái mất từ dự án thủy điện, các nhà quán lý và hoạch định cần tính toán đến khả năng duy trì cũng như loại bỏ những đập thủy điện chưa bảo đảm chức năng của nó cả trong hiện tại và tương lai.

Chiến Hữu-Văn Thanh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top