ClockThứ Năm, 22/09/2011 14:31

Bảo vệ rừng, trách nhiệm của cộng đồng

TTH - Ai cũng biết rừng là lá phổi của trái đất, có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh thái và sự đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn... Từ ý nghĩa đó, bảo vệ rừng là một yêu cầu cấp thiết không chỉ riêng của quốc gia nào.

Ở nước ta do chiến tranh, thiên tai và do sự tàn phá của con người nên diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn độ che phủ của rừng ở đất nước ta mới đạt 35%. Trước thực trạng trên, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng; “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”. Trên phạm vi cả nước đã hình thành các vùng trồng rừng tập trung nhằm cung cấp nguyên liệu cho sản xuất. Vùng Bắc Trung Bộ có hơn 70 nghìn hecta rừng thông, vùng Đông Bắc và trung du Bắc Bộ đã trồng trên 350 nghìn hecta rừng nguyên liệu công nghiệp. Ngoài ra, cả nước có hơn 6 triệu hecta rừng phòng hộ, 2 triệu hecta rừng đặc dụng được quy hoạch nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ tính đa dạng sinh học, chống xói mòn, ngăn lũ và điều tiết nguồn nước, cân bằng môi trường sinh thái...

Thừa Thiên Huế có diện tích rừng và đất rừng trên 335.000 hecta, chiếm gần 70% diện tích đất tự nhiên. Những năm qua, Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ rừng. Tỉnh đã xác định và xây dựng hệ thống cây trồng thích hợp để tăng diện tích rừng kinh tế như keo lá tràm, keo lưỡi mác, keo tai tượng, keo lai, phi lao, thông nhựa, dầu, sao và một số cây bản địa. Một trong những giải pháp chăm sóc, mở rộng diện tích trồng rừng ở Thừa Thiên Huế là công tác xã hội hóa nghề rừng, tiến hành giao đất giao rừng cho dân quản lý với phương châm lấy rừng nuôi rừng, lấy rừng nuôi dân. Người dân được hưởng lợi từ việc khai thác gỗ rừng theo quy định của chính quyền tỉnh. Với cơ chế chính sách giao rừng cho người dân quản lý và hưởng lợi từ rừng, Thừa Thiên Huế đã kích thích người dân tham gia bảo vệ và phát triển vốn rừng, từ đó nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc rừng, xem rừng là lá phổi của môi trường sống... Trong khi các quy định của Nhà nước chưa làm rõ chủ thể tham gia quản lý rừng thì Thừa Thiên Huế đã mạnh dạn xây dựng mô hình hợp tác quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tỉnh chú trọng phát huy vai trò của cộng đồng và chính quyền địa phương trong xây dựng kế hoạch đến việc triển khai thực hiện phát triển vốn rừng. Tại một số vùng trọng điểm, Thừa Thiên Huế xây dựng mô hình về thỏa thuận chia sẻ tài nguyên tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã và Quy chế quản lý tài nguyên vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền...

Sự nỗ lực rất lớn của chính quyền và người dân, vốn rừng ở Thừa Thiên Huế mỗi năm được phát triển và tăng về diện tích. Tuy nhiên, cũng như thực trạng chung trên cả nước, tệ phá rừng cũng đang công khai hoạt động. Và, hằng năm các vụ cháy rừng vẫn diễn ra làm thất thoát khá lớn diện tích rừng trồng và rừng tự nhiên. Năm 2011, nhiều vụ khai thác rừng trái phép đã bị lực lượng kiểm lâm và liên ngành bắt giữ. Gần đây nhất, người dân đã phá rừng ươi để thu hái quả mang đi tiêu thụ. 8 tháng đầu năm 2011 có 14 vụ cháy rừng làm thiêu rụi trên 74 hecta rừng.
 
Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên Huế, cơ quan chức năng đã có nhiều sáng kiến xây dựng thành công các loại hình bảo tồn thiên nhiên, mô hình làng sinh thái ở vùng đệm. Qua các mô hình, ngành kiểm lâm đã làm cho cộng đồng thấy rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng, huy động được nguồn lực trong dân.
 
Mặc dù có những kết quả tích cực trong quy hoạch, giao đất sản xuất, bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên rừng, song hằng năm tệ phá rừng, cháy rừng vẫn xảy ra, nguy cơ rừng bị xâm hại vẫn là vấn đề nóng trong công tác chăm sóc rừng. Chính vì vậy mỗi một người hãy nâng cao tinh thần trách nhiệm, chung tay, góp sức để bảo vệ nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng này.
 
Giao đất rừng cho nhân dân quản lý, chăm sóc và hưởng lợi góp phần cải thiện đời sống cho một bộ phận người dân ở ven bìa rừng. Thế nhưng “lâm tặc” đang là vấn đề làm “nhức nhối” vốn rừng khi mà lực lượng kiểm lâm còn quá mỏng so với diện tích rừng quá lớn lại trải dài, rộng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hoạt động của “lâm tặc” ngày càng tinh vi, hung hãn, chống đối, thậm chí khống chế lực lượng kiểm lâm. Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh đối với “lâm tặc”. Cần tăng cường nhân sự và phương tiện hỗ trợ, đồng thời ban hành một số chính sách, chế tài và hỗ trợ lực lượng kiểm lâm để lực lượng này yên tâm công tác.
 
Bảo vệ, chăm sóc rừng không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm. Tình trạng xâm hại vốn rừng, phá rừng ngày càng diễn biến phức tạp, đa dạng thì sự phối hợp, liên kết giữa các ngành, cộng đồng nhân dân với lực lượng kiểm lâm là biện pháp cần thiết tạo sức mạnh tổng hợp có sức khống chế, ngăn chặn tệ phá rừng. Cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể và cộng đồng nhân dân phải hợp lực để ngăn chặn, tiến đến đẩy lùi những vụ việc, hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Có như vậy vốn rừng mới phát triển bền vững qua hằng năm.
 
Chiến Hữu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top