Thứ Năm, 27/10/2011 21:05
(GMT+7)
Bảo tồn di sản chữ Nôm
TTH - Tại Huế, Hội bảo tồn di sản chữ Nôm đã trao giải thưởng thường niên Balaban cho chuyên gia lập trình phần mềm Phan Anh Dũng (Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên Huế) trước những đóng góp quan trọng của ông trong việc bảo tồn và quảng bá di sản chữ Nôm. Với mong muốn “mang chữ cổ trở lại với hiện đại”, những sáng tạo của Phan Anh Dũng trên máy tính cho phép con người ngày nay có thể tiếp cận dễ dàng hơn với chữ Nôm thông qua website, từ điển chữ Nôm trực tuyến…
Với hơn 1.000 năm hình thành và phát triển trước khi chữ Quốc ngữ ra đời, chữ Nôm là vốn di sản to lớn của dân tộc Việt, ẩn chứa trong đó các kho tàng triết học, y học, nghệ thuật, tôn giáo, lịch sử và địa chí, thậm chí là những kiệt tác văn học bất hủ. Qua thời gian, kho văn bản đồ sộ này dần mai một. Thống kê từ Hội bảo tồn di sản chữ Nôm cho thấy, với 80 triệu dân như hiện nay, số người Việt đọc được chữ Nôm trên toàn thế giới hiện chỉ trên dưới 100 người.
Điều bất ngờ là cách đây đúng 10 năm, việc bảo tồn di sản chữ Nôm đã được đặt ra, không phải ở Việt Nam mà là ở Mỹ. “Phải lòng” những bài thơ Nôm của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, từ nước Mỹ xa xôi, G.S John Balaban đã đứng ra thành lập Hội bảo tồn di sản chữ Nôm, qui tụ các nhà thơ, nhà ngôn ngữ học, chuyên gia tin học… với mục tiêu cung cấp các công cụ tin học để giúp thế hệ ngày nay truy nhập, bảo tồn nguồn di sản to lớn là các văn bản chữ Nôm. Sau 10 năm thành lập, Hội triển khai được nhiều dự án ý nghĩa, như tiến hành số hóa các kho chữ Nôm, xuất bản từ điển chữ Nôm bằng phông Tru type; cấp nhiều học bổng cho người Mỹ và sinh viên Việt Nam muốn học chữ Nôm. Hội cũng đã cung cấp một dịch vụ tư liệu trên mạng internet, giúp các thư viện trên thế giới xác định được tư liệu chữ Nôm họ đang có… Hằng năm, Hội bảo tồn di sản chữ Nôm tiến hành trao giải thưởng thường niên Balaban để tôn vinh và khuyến khích những cá nhân, nhóm cá nhân có những đóng góp cho công tác bảo tồn di sản chữ Nôm.
Theo học giả trẻ Nguyễn Hoàng Thân (giáo viên Hán-Nôm Đại học Sư Phạm Đà Nẵng) (người vừa được trao học bỗng Balaban tại Huế), để theo đuổi niềm đam mê chữ Nôm, những người trẻ như anh phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Sự khích lệ từ những nguồn học bổng này đã tạo thêm điều kiện để những người trẻ gắn bó bền sâu với vốn cổ.
Kim Oanh