ClockThứ Năm, 29/09/2011 04:08

Bài học từ “Cà phê Buôn Ma Thuột”

TTH - Tuần qua, giới kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam đang đứng ngồi không yên khi thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đăk Lăk đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc. Theo một số chuyên gia, điều này đồng nghĩa với việc thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của Việt Nam có thể sẽ không thể xuất khẩu sang thị trường này, thị trường luôn nằm trong nhóm 10 nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam và thậm chí là vụ việc có khả năng nghiêm trọng hơn nếu như doanh nghiệp Trung Quốc này lợi dụng quyền sở hữu của mình để đăng ký sở hữu thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên qui mô toàn thế giới. Hơn bao giờ hết, Đây là bài học thấm thía cho các doanh nghiệp, địa phương trong việc đăng ký bảo hộ độc quyền đối với thương hiệu, sản phẩm của mình.

Được biết, hai nhãn hiệu “BUON MA THUOT” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896” gắn liền với nhiều sản phẩm; trong đó có cà phê, đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd. Hai nhãn hiệu này được đăng ký lần lượt vào ngày 14/11/2010 và 14-6 năm nay, tại tỉnh Quảng Đông. Không chỉ cà phê Buôn Ma Thuột, một thương hiệu khác nổi tiếng về cà phê ở Việt Nam là Đăk Lăk cũng đã bị Công ty Itm Entreprises (Société Anonyme) ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu dưới tên của mình. Chứng nhận do cơ quan Sở hữu trí tuệ Pháp cấp từ ngày 25/9/1997, được đăng ký bảo hộ ở hơn 10 qu?c gia kh?c. ốc gia khác.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên thương hiệu Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Nhiều thương hiệu và chỉ dẫn địa lý gắn kiền với sản phẩm của Việt Nam đã bị các doanh nghiệp nước ngoài “đánh cắp” như: kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, bánh đậu xanh Hải Dương, bánh phồng tôm Sa Dương... Trước đây, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên... cũng gặp tình trạng tương tự và đã khởi kiện dành được phần thắng ngay tại Trung Quốc. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giành lại thương hiệu của các doanh nghiệp vô cùng gian nan, mệt mỏi và... tốn kém.

Tại Thừa Thiên Huế, những năm qua việc đăng ký bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý và thương hiệu sản phẩm đã được một số kết quả đáng ghi nhận. Ngoài thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, một số sản phẩm truyền thống của địa phương đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm. Cụ thể là đặc sản “Thanh trà Huế”, sản phẩm thủ công mỹ nghệ “Nón lá Huế”... và mới đây là nhãn hiệu “Tôm chua Huế”. Ngoài các sản phẩm trên, mộ số sản phẩm dịch vụ có uy tín và thương hiệu, nhưng chưa được quan tâm đăng ký bảo hộ. Mè xửng Huế là một trong số đó. Đây là sản phẩm truyền thống được người tiêu dùng trong nước tiêu thụ rộng rãi và đã được xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất mè xửng đang “ăn nên làm ra”. Tuy nhiên, lâu nay các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mè xửng chỉ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm riêng lẻ, mà chưa đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý chung cho sản phẩm “Mè xửng Huế”. Theo đó, thương hiệu này sẽ có nguy cơ bị mất nếu có doanh nghiệp nào đó đăng ký bảo hộ độc quyền...
Trên lĩnh vực dịch vụ, lâu nay dịch vụ “Cơm vua” hay “Cơm cung đình” được nhiều khách sạn tổ chức phục vụ du khách. Được biết, hiện nay không chỉ ở Huế mà nhiều cơ sở du lịch ở các địa phương khác cũng tổ chức phục vụ du khách dịch vụ này. Trong tương lai, du lịch Huế sẽ mất lợi thế nếu không đăng ký bảo hộ sản phẩm có tính “đặc sản” này. Tương tự, các địa phương, doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh những sản phẩm có thương hiệu, uy tín... cần quan tâm đầu tư cho việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của địa phương, doanh nghiệp mình và tránh những rắc rối không đáng có xung quanh “cuộc chiến” giành thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hoàng Thành

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top