ClockThứ Tư, 21/11/2012 21:55

“Lãng phí là tội ác”

TTH - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã nêu rõ, lãng phí là một trong những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp.

Lãng phí cùng với tham nhũng là “hai anh em sinh đôi” gây nên những thất thoát lớn nguồn lực xã hội. Cùng với tham nhũng, lãng phí đã trở thành lực cản trên con đường phát triển kinh tế của đất nước.

Những thất thoát do lãng phí gây ra có nhiều trường hợp còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các hành vi tham nhũng, nhưng không có ai chịu trách nhiệm? Chúng ta thường lên án gay gắt, mạnh mẽ các hành vi tham nhũng, nhưng lại nương tay, xem nhẹ lãng phí. Cho đến nay, chưa có vụ án nào xét xử tội lãng phí?

Nếu tiết kiệm là quốc sách thì lãng phí là quốc nạn. Lãng phí rất đa dạng, xảy ra với các cấp độ khác nhau ở mọi nơi và trong nhiều lĩnh vực, từ lãng phí trong sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, khai thác tài nguyên đến các dự án với nước ngoài, lãng phí từ những dự án “treo” kéo dài trong nhiều năm…

Một số công trình quốc gia sau khi khánh thành không lâu thì bị lún nứt, sụp đổ, xuống cấp nhanh chóng…, cần được bổ sung vốn để khắc phục rất tốn kém. Không ít nhà máy được xây dựng với công nghệ thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, giá thành cao, kinh doanh thua lỗ dẫn tới dừng hoạt động. Có công trình thủy lợi, công trình nước sạch cho nông thôn tiêu tốn tiền của vào đó khá nhiều, nhưng khi hoàn thành chẳng thấy nước ở đâu, nguyên nhân là do khâu thiết kế, quy hoạch không sát với thực tiễn. Một số địa phương chi bạc tỷ cho xây dựng chợ, nhưng do địa điểm không phù hợp, chợ không họp được… Những sự việc nêu trên, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có việc báo chí đã từng nêu. Đó là việc xây dựng chợ, công trình nước sạch, công trình đê kè thủy lợi, bệnh viện kém chất lượng, kéo dài nhiều năm.

Một chủ trương đầu tư sai, lãng phí cả hàng trăm triệu USD, hàng nghìn tỷ đồng Việt Nam vào khu công nghiệp, khu chế xuất, sân bay, bến cảng… kém hiệu quả hoặc không có hiệu quả, cũng chỉ được nhắc nhở, rút kinh nghiệm.

Nhiều dự án “treo” hàng chục năm đã gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội. Hàng nghìn hộ dân sống tại đó trong cảnh tạm bợ do không thể sửa sang, xây dựng nhà cửa, chất lượng cuộc sống ngày càng giảm sút. Mưa gió, bão lũ đến, cuộc sống, tính mạng tài sản của nhân dân ở những vùng quy hoạch “treo” này sẽ ra sao?

Lãng phí còn biểu hiện rõ ở các hội nghị sơ kết, tổng kết, khánh tiết, khánh thành, lễ đón nhận huân chương… quá nhiều và quá linh đình; ngoài chi phí chung, còn quà cáp, ăn uống, biểu diễn nghệ thuật, phô trương, hình thức, vượt khả năng ngân sách… nhưng hiệu quả không tương xứng với công sức, tiền của đã bỏ ra tổ chức…

Nhiều cử tri xem truyền hình, thực sự không khỏi bàng hoàng khi ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN và NĐ của Quốc hội, trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, phát biểu tại hội trường ngày 30/10/2012, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đã tiết lộ: “Với 2.455 tổ chức được giao 250.862 ha thu hồi đất sản xuất của dân, rồi để hoang hóa từ nhiều năm nay, hàng trăm ngàn tỷ đồng lẽ ra phải được sinh sôi từ đất lại bị chôn vùi trong đất”…

Ngoài những lãng phí hữu hình nêu trên, còn những lãng phí vô hình thì sao? Tình trạng lãng phí giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực; lãng phí chất xám và “chảy máu chất xám”. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp bộ, cấp ngành, cấp địa phương được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng rất hoành tráng, xếp trong tủ các viện nghiên cứu, trường đại học như các vật trang trí. Trong khi đó, khoảng dưới 30% kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng hoặc ứng dụng một phần vào thực tiễn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Phòng và chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Mọi cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở và từng đảng viên, trước hết là người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…”.

Việc phòng, chống lãng phí ở nước ta hiện nay không thể chỉ hô khẩu hiệu chung chung mà phải bằng những biện pháp quyết liệt và thiết thực.

Các cấp ủy Đảng phải trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh phòng, chống lãng phí, đồng thời với việc xây dựng bộ máy quản lý Nhà nước ở các cấp trong sạch và vững mạnh, song song với vấn đề đó là việc tích cực cải cách nền hành chánh quốc gia, chống mọi thủ tục phiền hà, rắc rối do quan liêu và vô trách nhiệm của cán bộ gây ra. Nhà nước ban hành đầy đủ hệ thống pháp luật quản lý hành chánh và quản lý kinh tế, tạo ra môi trường, hành lang luật pháp chuẩn mực cho các đối tượng bị quản lý hành động trong khuôn khổ đó và các cơ quan quản lý Nhà nước có cơ sở xử lý các trường hợp vi phạm. Tiến hành cuộc đấu tranh diệt trừ tệ lãng phí bằng phong trào cách mạng của đông đảo quần chúng, bằng dư luận xã hội kết hợp với luật pháp quản lý Nhà nước. Trừng phạt nghiêm minh theo pháp luật đối với những ai gây ra lãng phí bất cứ trên lĩnh vực nào. 

Chiến Hữu - Văn Chính
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top