Thứ Năm, 21/06/2012 05:55
(GMT+7)
“Dòng sông vua”
TTH - Trong số các con sông ở Huế, Ngự Hà là một ngoại lệ. Nó là một con sông bán nhân tạo, được đào men theo một nhánh cũ của sông Hương chảy từ chợ Kim Long đến Bao Vinh, dài gần 4 cây số, phục vụ cho việc ra vào kinh thành Huế. Bài văn bia “Ngự chế Ngự Hà bi ký” (văn bia vua viết về sông Ngự Hà) do chính vua Minh Mạng viết mở đầu bằng câu “Thử hà nguyên tiền Hương thuỷ chi phân lưu”. Tạm dịch là “sông này nguyên trước là phân lưu của sông Hương”.
Được khơi đào lần đầu tiên dưới triều vua Gia Long vào khoảng năm 1805, bắt đầu từ sông Đông Ba đến Võ Khố, lúc đầu được đặt tên là Thanh Câu. Lại khơi đào tiếp đến sông Kẻ Vạn dưới triều vua Minh Mạng vào năm 1825, sông được đổi tên thành Ngự Hà, có nghĩa là “dòng sông vua”. Con sông Ngự Hà như một phần trong bộ sưu tập “ngự” có sức hấp dẫn đặc biệt gắn liền với kinh thành, chốn Hoàng cung của Vương triều Nguyễn trong hệ thống di sản văn hoá Huế.
Trong một bài văn bia nhan đề “Ngự chế Khánh Ninh kiều bi ký” (văn bia vua viết về cầu Khánh Ninh, một trong 10 cây cầu bắc qua sông Ngự Hà), vua Minh Mạng đã nói đến hai chức năng của Ngự Hà. Đó là “rất tiện lợi cho mọi người trong đi lại” và nước sông có thể “cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng”. Cũng trong một bài văn bia khác nhan đề “Ngự chế dẫn thượng”, vua Minh Mạng lại bàn đến chức năng cấp thoát nước tự nhiên cho địa bàn Thành Nội của sông Ngự Hà. Rằng: “dòng nước chẳng tiếp nối với đầu nguồn thì ứ đọng đục bẩn, không thể cung ứng cho việc ăn uống và sử dụng của quân đội và dân chúng”.
Nhớ về Ngự Hà, tôi lại nhớ nhiều hơn về một “dòng sông vua”. Được tạo nên bởi con người, dòng sông Ngự Hà góp phần tạo nên vẻ đẹp tự nhiên cho tổng thể kiến trúc kinh thành Huế. Một thuở, nước sông Ngự Hà trong xanh, có nơi sâu đến vài mét, cá tôm nhiều và thuyền ra vào nhộn nhịp. Tôi lại được nghe kể, xưa vào mỗi mùa từ hạ sang thu, sen trắng sen đỏ ở Ngự Hà nở hoa như gấm dệt, khoe sắc toả hương cả một vùng. Và Ngự Hà- dòng sông vua, bao bọc kinh thành một thời vào những chiều hè mát mẻ hay những ngày xuân đẹp trời là nơi dạo chơi bằng thuyền rồng của các vua nhà Nguyễn. Cái cảm giác thú vị khi dạo thuyền rồng trên dòng Ngự Hà trong một đêm trăng đã được đức vua Thành Thái ghi lại trong một bài thơ Ngự chế: “Trăng sáng treo lơ lửng giữa trời/ Ngự Hà nước biếc cả dòng khơi…”.
Có thể cảm nhận được nỗi buồn lo khi một thời bị lãng quên, thiếu sự quan tâm nạo vét và bảo vệ của con người, Ngự Hà bị lấp dần và nó đã nổi tiếng theo một cách khác với các danh hiệu về “dòng sông bèo”, “dòng sông rau muống” và hơn thế là một “dòng sông chết”. Và lại cũng có thể cảm nhận được niềm vui khi “dòng sông vua” hôm nay đang được cứu vãn bởi những dự án chỉnh trang và tôn tạo. Không chỉ là cuộc sống hiện tại, Ngự Hà - dòng sông vua đã là một phần của di sản Huế. Nó cần được gìn giữ như một tài sản quý báu mà ông cha để lại.
Đan Duy