ClockThứ Năm, 14/08/2014 05:54

“Đói lòng ăn trái lòn bon”

TTH - Khi mà tầm này Huế bắt đầu có những cơn mưa chiều, đôi khi kéo dài tận sang đêm, trời đã dần dịu mát, bất chợt bắt gặp trong giỏ đi chợ về của vợ một thứ trái lạ. Nó từa tựa trái dâu Truồi, to cỡ bằng ngón chân cái, có màu vàng nhạt và núm cuống căng tròn. Bóc vội lớp vỏ ngoài, theo kiểu rất lạ từ đít trái lột lên, bên trong lồ lộ 5- 6 múi dính chặt lấy nhau, có múi có hạt có múi không, màu trắng đục, chứa nhiều nước thơm. Ăn vào có vị không quá chua lại ngòn ngọt, thơm thơm. Nhưng đã ăn là ăn riết, cho đến khi có cảm giác no.

Nói rằng nó lạ cũng không sai. Lâu nay không thấy có ở Huế mình và tôi cũng chưa từng được nếm. Bảo rằng quen thì đúng rồi, chỉ cái tên gọi “bòn bon” thôi cũng đã như chợt gợi nhớ về sự thân quen và cả về một giai thoại đẹp. Ca dao xứ mình có câu “Trái bòn bon trong tròn ngoài méo”, nghe sao cứ từa tựa câu ca “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo” vậy . Còn trong lịch sử, loại trái này gắn liền với hình ảnh vị quân vương sáng lập nên triều Nguyễn. Tương truyền, lúc vua Gia Long còn là công tử Nguyễn Phúc Ánh, gặp lúc hiểm nguy phải chạy tránh nạn và cạn hết lương thực. Tình cờ, lính của ông ăn thử thứ trái cây mọc nhiều trên chỗ đóng quân. Cũng ăn thử thứ trái cây đó, ông thấy được tuy có vị chua. Đưa tiếp cho các tùy tùng người Pháp, họ ăn cũng thấy ngon nên bảo nhau: “Bon! Bon!” tức là “ngon” theo tiếng Pháp. Từ đấy, người dân địa phương gọi thứ trái cây đó là “trái bòn bon”. 

Xung quanh tên thứ trái cây có công lớn với triều đại này, khi lên ngôi vua Gia Long đã ban cho cái tên “Nam Trân” (trái quý ở phương Nam) và “Trung Quân”, một danh hiệu đầy vinh dự cho một loại sản vật. Dân dã thì cứ gọi theo kiểu mấy ông Tây nhưng lại chệch đi một cách mộc mạc và chân chất, nào là bòn bon, nào lòn bon, rồi loòng boong, loòn boong… Bởi thế đã có câu “trái bòn bon trong tròn ngoài méo”, lại cũng có câu “đói lòng ăn trái lòn bon” trong dân gian và nghe qua bất kỳ ai cũng có thể hình dung. Sau này khi xây Cửu Đỉnh, vua Minh Mạng đã cho chạm loại trái cây rừng bòn bon trên Nhân Đỉnh. Bòn bon với cái tên vua ban “Nam Trân” và “Trung Quân” là trái cây dùng để “tiến vua”. Sử chép, thường năm đến tháng 9 là dự tính đến việc hái trái lòn bon và chia làm 2 kỳ (…), đúng ngày đến Kinh nộp để dâng mừng giỗ ở Hưng Miếu.

Người ta bảo, quê gốc của trái bòn bon tận Tây Mã Lai. Từ loại cây hoang dại, nó trở thành thứ cây trồng rất được yêu quý. Còn ở Việt Nam, bòn bon có nhiều từ Quảng Nam vào nhưng nó cũng là niềm tự hào của xứ Huế, một thời là kinh đô đất nước, với cách gọi tên kiểu mệ “trái bòn bon” nghe có vẻ Tây hơn, sang hơn rất nhiều. Ở Mã Lai mỗi năm có hai mùa hái trái, từ tháng 6 đến tháng 7 và tháng 12 đến tháng 1, đôi khi kéo đến tháng 2. Còn Việt Nam, chỉ có một mùa tháng 6 đến tháng 8 hay tháng 9 đến tháng 10 tùy theo miền. Thời gian hái chỉ kéo dài một tháng…

Chắc cũng như tôi, ai đã từng một lần nếm thử hương vị của trái bòn bon sẽ có cảm giác không thật sự đặc biệt của loại cây trái này. Nó không ngon lạ, không ngọt lạ, không thơm lạ nữa. Vậy nhưng, cứ như một phản xạ vô hình, ngồi ăn bòn bon cứ xong một trái lại quờ tay làm trái nữa, để rồi như mở đầu bài viết tôi đã thưa chuyện, ăn cho đến khi có cảm giác no. Cái câu chuyện về vua Gia Long ăn trái bòn bon thuở nào do thế nghe cứ như một cái gì được mặc định gắn với loại cây trái miền Trung và xứ Huế này. Nó cao sang, quý phái liên quan đến cả vua chúa mà cũng thật gần gũi và chân chất, để rồi như cứ ngân nga trong ta là câu hát “Đói lòng ăn trái lòn bon”… 

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top